Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục
Thời gian qua, cơ cấu chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện. Để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho phát triển giáo dục, tỉnh cũng có các quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên và hỗ trợ kinh phí chi đặc thù quản lý hành chính cho Sở GD&ĐT để thực hiện việc tham mưu về quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm này, kinh phí phân bổ theo quy định đã cơ bản đáp ứng được các hoạt động thường xuyên.
Thời gian qua, cơ cấu chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện. Để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho phát triển giáo dục, tỉnh cũng có các quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên và hỗ trợ kinh phí chi đặc thù quản lý hành chính cho Sở GD&ĐT để thực hiện việc tham mưu về quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm này, kinh phí phân bổ theo quy định đã cơ bản đáp ứng được các hoạt động thường xuyên.
Trong điều kiện từng địa phương, việc trích ngân sách dành cho phát triển giáo dục cũng được các huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Có những địa phương, nguồn kinh phí chi cho phát triển giáo dục lên tới gần 50% tổng chi ngân sách chung. Qua đó, giúp tháo gỡ không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục về kinh phí chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Ở thành phố Phủ Lý, việc dành ngân sách và kêu gọi các nguồn đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất các trường học, phục vụ phát triển giáo dục luôn được các cấp, ngành quan tâm chú trọng. Theo thống kê, có những năm học, thành phố đã đầu tư xây dựng mới, xây dựng bổ sung cơ sở hạ tầng cho 10-15 trường học các cấp. Kinh phí đầu tư từ 1-2 tỉ đồng cho xây dựng bổ sung, từ 10-30 tỉ đồng cho xây dựng mới, thậm chí có trường tổng kinh phí đầu tư xây mới lên tới gần 40 tỉ đồng, có năm thành phố đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng trường học.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: Trong điều kiện các địa phương hầu như không chủ động được nguồn đầu tư cho giáo dục, nhất là ở một số xã thuộc các huyện chuyển giao về thành phố, nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện từ cơ chế, chính sách cho tới tạo nguồn đầu tư xây dựng thì ngành giáo dục rất khó giải quyết được bài toán nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trường học và các mục tiêu xây dựng trường chuẩn. Có giai đoạn, thành phố gần như không có trường học nào được công nhận đạt chuẩn do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu. Nhưng từ năm 2015 đến nay, kết quả xây dựng trường chuẩn của thành phố đã có bước phát triển với gần 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.
Nhờ được ưu tiên nguồn lực đầu tư, các trường học trên địa bàn xã Tràng An (Bình Lục) đã đạt các tiêu chí về giáo dục. Ảnh: Trần Thanh
Những năm qua, tỉnh đã tăng cường bố trí các nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng trường, lớp học. Qua đó vừa góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí trường học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa phát triển hệ thống trường học kiên cố, bảo đảm điều kiện giảng dạy, học tập. Cụ thể, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục, gồm tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về GD&ĐT. Trong đó, để đạt tiêu chí về trường học, toàn bộ các trường mầm non, tiểu học, THCS phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; xã NTM nâng cao phải có ít nhất một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cụ thể thực hiện tiêu chí; phối hợp với các địa phương triển khai lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, sửa chữa trường, lớp học.
Tiêu chí về cơ sở vật chất giáo dục ở 100% xã đạt chuẩn NTM đã được bảo đảm. Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở GD&ĐT, ngay từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã chủ động, tích cực vào cuộc để hoàn thành tiêu chí trường học. Theo đó, sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác xây dựng NTM đối với tiêu chí liên quan đến giáo dục phù hợp với điều kiện từng địa phương; tích cực thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường; hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học tham mưu các cấp chính quyền quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trường học các cấp trên địa bàn.
Để thực hiện tiêu chí trường học, ngành giáo dục tỉnh còn chủ động triển khai công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường học; tham mưu các cấp xem xét, nghiên cứu sáp nhập một số điểm trường quy mô nhỏ, ít học sinh, nhằm tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn và góp phần đáng kể vào thực hiện tiêu chí trường học, bảo đảm cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định và theo kế hoạch xây dựng NTM của địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát chỉ tiêu, thực hiện kế hoạch xây dựng NTM đối với tiêu chí số 5 về trường học.
Hiện nay phòng học của các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng đủ cho việc dạy và học với khoảng 98% phòng học kiên cố, không còn phòng học tạm. Với các công trình liên quan tới giáo dục, các địa phương đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng để thanh toán cho các nhà thầu. Các dự án đầu tư cho xây dựng mới các công trình phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ tại trường học không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường triển khai tốt các nhiệm vụ dạy và học mà còn giúp đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nằm trong chương trình đầu tư xây dựng NTM của địa phương, hầu hết các trường học đã được xây dựng với quy mô của một trường chuẩn quốc gia, có tổng kinh phí đầu tư tương đối lớn. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ nâng số trường học đạt chuẩn lên mức 359/361 trường (đạt 99,45%), trong đó có 169 trường đạt chuẩn mức 2; các đơn vị đều hoàn thành tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 về xây dựng NTM.