Ưu tiên nguồn lực mở rộng trường học
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chật hẹp, không đạt chuẩn về diện tích theo quy định của trường chuẩn quốc gia. Để khắc phục, tỉnh ưu tiên nguồn lực, tập trung giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích, xây mới nhiều công trình trường, lớp học hiện đại.
Đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch rà soát quỹ đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng hoặc chuyển địa điểm, đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực, bố trí nguồn vốn, kêu gọi đầu tư theo hướng trọng điểm để chuẩn hóa trường học. Trong đó đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa, tuyên truyền vận động Nhân dân đồng lòng ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng, tự nguyện hiến đất, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục.

Trường Tiểu học Song Mai (thành phố Bắc Giang) vừa được đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng mới đồng bộ.
Trước đây, diện tích Trường Tiểu học Đồng Sơn và Trường Trung học cơ sở Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang) đều rất hẹp dẫn đến thiếu phòng học, sân chơi, bãi tập. Dù có nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập nhưng cả hai trường chỉ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do không còn quỹ đất để xây dựng bổ sung. Đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, năm 2022, UBND xã Đồng Sơn quyết liệt giải phóng mặt bằng, bố trí chuyển Trường Tiểu học Đồng Sơn ra vị trí mới để xây dựng đồng bộ hạ tầng trường, lớp học.
Cô giáo Nguyễn Thị Lựu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ năm học 2022-2023, thầy và trò nhà trường được học tập trong ngôi trường mới hiện đại với tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng, đáp ứng được quy mô phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay, tầm nhìn đến năm 2050”. Cùng đó, Trường Trung học cơ sở Đồng Sơn tiếp nhận toàn bộ diện tích của Trường Tiểu học Đồng Sơn. Có không gian rộng, năm 2023, nhà trường được đầu tư 33 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND thành phố Bắc Giang để cải tạo, sửa chữa, xây mới 18 phòng học và khu quản trị, đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025. Hiện nay, cả hai trường đều có hạ tầng khang trang và được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Bám sát Đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố Bắc Giang dự kiến bố trí 2 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và đầu tư cho các hoạt động giáo dục. Mục tiêu nhằm xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại, qua đó từng bước khắc phục tình trạng quá tải học sinh ở mỗi lớp, số lớp của mỗi trường. Với các trường chưa bảo đảm diện tích, UBND thành phố Bắc Giang xây dựng kế hoạch mở rộng, tách hoặc đầu tư xây dựng mới các công trình. Phấn đấu đến hết năm 2025, tất cả trường học đã hoạt động đủ 5 năm đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất 30% trường học đạt mức độ 2.
Nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Bắc Giang đang tập trung phát triển mạng lưới trường lớp học, đặc biệt quan tâm thu hút các nguồn lực xây mới, mở rộng các trường xung quanh khu công nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại, đồng bộ, chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Nằm ngoài đê sông Cầu, Trường Trung học cơ sở Vân Hà (thị xã Việt Yên) có diện tích nhỏ nhất tỉnh. Khuôn viên chật hẹp, đông học sinh, sân trường lại hay bị ngập nước vào mùa mưa khi nước sông dâng cao. Năm 2025, nhà trường được bố trí chuyển sang vị trí mới, diện tích hơn 10 nghìn m2 và được đầu tư gần 60 tỷ đồng để xây dựng đồng bộ các phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 5/2025.
Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên chia sẻ: “Kinh nghiệm của thị xã Việt Yên là bám sát quy hoạch để đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, dự báo mức gia tăng quy mô học sinh trong những năm tiếp theo để có kế hoạch phù hợp, quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương xây dựng cơ sở vật chất trường học”.
Mới đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường học có quy mô lớn, số lượng học sinh đông đã được mở rộng diện tích, đầu tư bổ sung, xây mới các hạng mục công trình. Tiêu biểu như: Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Tiểu học Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang), Tiểu học Minh Đức (thị xã Việt Yên), Tiểu học Hợp Thịnh số 1, Trung học cơ sở Hương Lâm (Hiệp Hòa). Do ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 96,4%. Toàn tỉnh có 718 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 95,7% và 225 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 30%), cao hơn bình quân chung cả nước.
Đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn tiếp theo
Những năm gần đây, số lượng học sinh toàn tỉnh liên tục tăng cục bộ ở những địa bàn phát triển dân số cơ học, trung bình năm sau cao hơn năm trước từ 11-13 nghìn em. Trong đó tập trung chủ yếu ở một số phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa. Đặc biệt, quy mô học sinh cấp trung học phổ thông tăng nhanh từ năm học 2026-2027 với tổng số khoảng 41 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (năm học 2024-2025 dự kiến có 29,8 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và năm học 2025-2026 có khoảng 32 nghìn em).

Giáo viên hướng dẫn học sinh phương pháp tự học tại thư viện Trường Trung học cơ sở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên).
Thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2024-2030, tỉnh Bắc Giang dự kiến bổ sung 186,7 ha mở rộng diện tích cho các trường học công lập để xây dựng thêm 4,2 nghìn phòng học và 2,8 nghìn phòng chức năng, 289 nhà đa năng với kinh phí dự kiến khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường tăng quy mô học sinh, nhất là cấp trung học phổ thông, cụ thể như chuyển Trường Trung học phổ thông Thái Thuận (thành phố Bắc Giang) sang vị trí mới; mở rộng diện tích, xây dựng thêm các phòng học cho các trường trung học phổ thông: Lạng Giang số 3, Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang), Việt Yên số 2, Hiệp Hòa số 1, Chu Văn An (thị xã Chũ). Một số địa phương có thêm trường trung học phổ thông công lập mới như: Lạng Giang, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên.
Thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2024-2030, tỉnh Bắc Giang dự kiến bổ sung 186,7 ha mở rộng diện tích các trường học công lập để xây dựng thêm 4,2 nghìn phòng học và 2,8 nghìn phòng chức năng, 289 nhà đa năng với kinh phí dự kiến khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp, đánh giá nhu cầu mở rộng quy mô trường học tại các khu vực gia tăng dân số cơ học, khu đô thị, vùng đông dân cư để có phương án phù hợp. Đối với các trường xây mới, trường mở rộng diện tích đất để xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, hạng mục phụ trợ được lập dự án, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập trong giai đoạn tiếp theo. Ngành giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân thành lập các trường tư thục để giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập”.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/uu-tien-nguon-luc-mo-rong-truong-hoc-postid417071.bbg