Ưu tiên nguồn lực tài chính, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để mở cửa trở lại các hoạt động, từng bước phục hồi SXKD, việc ưu tiên nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về tài chính, đảm bảo kinh phí cho các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Ngay từ khi xuất hiện những ca dương tính đầu tiên với Covid-19, các cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; tập trung lực lượng, nhất là ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, vận động toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tích cực tham gia chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp đã kịp thời đưa ra những giải pháp cấp bách, góp phần phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng phương châm 4 tại chỗ và kiên định 5 nguyên tắc phòng, chống dịch được đề ra ngay từ ban đầu và xuyên suốt các giai đoạn, đảm bảo thực hiện tốt chiến lược từ “Mục tiêu kép” trong năm 2020 và 2021 sang “Đa mục tiêu” trong năm 2022, tập trung thúc đẩy phát triển các hoạt động KT - XH trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch Covid-19.
Để nâng cao tính chủ động trong điều hành ngân sách của tỉnh, đáp ứng tình hình nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương nói chung và nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, Sở Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, chưa có “tiền lệ”, góp phần cân đối và bố trí kịp thời nguồn kinh phí, đảm bảo các ngành, địa phương trong tỉnh có đủ nguồn lực, xây dựng phương án, kế hoạch, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Năm 2020, Vĩnh Phúc là địa phương có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của cả nước. Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân thực hiện quy định về cách ly y tế nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra diện rộng, trước khi Nghị quyết 37 của Chính phủ có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù để các cấp, các ngành và người dân được hưởng các chế độ hỗ trợ riêng của tỉnh.
Theo đó, Nghị quyết số 01/2020 của HĐND tỉnh được triển khai và thực hiện hiệu quả, quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế tại các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung, người thường trú, tạm trú tại địa phương có dịch bị kiểm soát ra vào theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; hỗ trợ người tham gia trực tại các chốt, trạm kiểm dịch ở các đầu mối giao thông ra vào vùng dịch trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong năm 2020, nhằm đảm bảo nguồn lực sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2020 thông qua dự toán ngân sách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Qua đó, khẳng định sự chủ động, sẵn sàng và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh nhằm ứng phó với mọi cấp độ, tình huống dịch có thể xảy ra, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết mang tính đặc thù trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như Nghị quyết số 03 quy định một số chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 04 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022; Nghị quyết số 05 quy định tạm thời mức giá đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các quyết định, phương án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng liên quan trong công tác đảm bảo đúng đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng nguồn lực từ NSNN đã huy động và phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến hết tháng 12/2021 là gần 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2020 là trên 308 tỷ đồng; năm 2021, tổng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 ước tính đến hết tháng 12/2021 là hơn 783 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian sau nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao.
Thực hiện đúng nguyên tắc “Tính mạng của dân là quan trọng nhất, không được phép để một người dân nào không được quan tâm”, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ phòng chống dịch bệnh Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Căn cứ chỉ tiêu chi NSNN được giao, UBND tỉnh chỉ đạo, định hướng các sở, ngành chức năng tham mưu xây dựng, bố trí dự toán chi thường xuyên theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ.
Thực hiện triệt để tiết kiệm, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa cần thiết. Rà soát tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ chi để bố trí có trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí kinh phí, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội... UBND các huyện, thành phố cần bố trí kịp thời kinh phí, nguồn lực nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở.
Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà, các cơ sở y tế dự phòng, các Trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.