Ưu tiên phân phối hàng Việt đến người tiêu dùng
Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', tỉnh Lào Cai đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Hiện nay, hàng sản xuất trong nước luôn chiếm trên 90% tại các cơ sở phân phối, kinh doanh; tỷ lệ người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở các địa phương trong toàn tỉnh cũng luôn ở mức cao.
Thời gian qua, bên cạnh việc vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, các cấp, các ngành còn chú trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước.
Đến nay, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Lào Cai như cá tầm, cá hồi, chè Shan tuyết, lê VH6, mận Tam hoa, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, bánh chưng đen, thuốc tắm người Dao đỏ, gạo Séng cù, mật ong, miến đao, tương ớt Mường Khương, thổ cẩm… đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã công nhận, phê duyệt 123 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu, chất lượng cao, bền đẹp, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và phân phối rộng rãi trên thị trường qua nhiều kênh khác nhau.
Bà La Thị Lương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm Lương Thủy, thị xã Sa Pa cho biết: Chúng tôi rất vui vì cơ sở được tạo điều kiện mở gian hàng tại khu trưng bày thuộc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch để có thể tiếp cận, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch. Nhờ đó, sản phẩm do chính tay phụ nữ các dân tộc Sa Pa làm ra dễ đi xa hơn.
Năm 2020 và 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ngành, địa phương trong tỉnh đã xúc tiến, kết nối, khai thác hiệu quả các sàn thương mại điện tử, như Laocaitrade; Sendo, PostMart, Voso… để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của Lào Cai. Thống kê từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho thấy, riêng Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (Laocaitrade) hiện có 231 sản phẩm được trưng bày; sàn Postmart có hơn 30 sản phẩm thường xuyên được giao dịch… Nhiều nông sản an toàn như gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, miến đao sâm, mận Tam hoa Bắc Hà, lê VH6… đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng nhờ chất lượng cũng như sự tiện lợi khi giao dịch.
Nói về việc đưa sản phẩm lê VH6 lên sàn thương mại điện tử, ông Hảng Seo Vảng, thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai) cho biết: Sau khi kết nối, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, việc tiêu thụ lê VH6 thuận lợi hơn rất nhiều, giá bán quả lê cũng tăng. Nhiều người tiêu dùng ngoài tỉnh đã đặt mua quả lê của chúng tôi thông qua sàn thương mại điện tử. Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước thì việc kết nối, phân phối hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh đến người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và khơi dậy niềm tự hào hàng Việt đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cũng như người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ triển khai đánh giá việc tiêu dùng hàng Việt trong toàn tỉnh, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm (thiết kế logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, máy móc, thiết bị sản xuất...), nắm xu hướng tiêu dùng, tìm kiếm thị trường, kết nối phân phối… để tiêu thụ hàng Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.