Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ

PTĐT - Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá đồng bộ, theo hướng hiện đại...

Nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường dẫn kết nối với QL 70B tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa.

Nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường dẫn kết nối với QL 70B tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa.

PTĐT - Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá đồng bộ, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, bức tranh giao thông trên địa bàn tỉnh có những mảng mầu tươi sáng, đánh dấu bước phát triển quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tuyến đường bộ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến đường 35m thị xã Phú Thọ kết nối Khu công nghiệp Phú Hà; QL.32C qua thành phố Việt Trì từ chợ Nú đến cầu Phong Châu; dự án tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Đào Xá - Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy; đường nối từ QL.32C vào Khu công nghiệp Cẩm Khê; nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường dẫn kết nối với QL.70B tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa... Các dự án đều đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Việc quản lý vốn và giải ngân theo kế hoạch giao đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đầu tư... Cùng với các tuyến đường kết nối, tỉnh cũng luôn xác định giao thông nông thôn (GTNT) có vai trò quan trọng trong phát triển CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn ngân sách và sự đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp với lồng ghép các nguồn vốn khác, hàng ngàn km đường GTNT đã được làm mới... Nhiều tuyến đường GTNT đã được nâng cấp, phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, mạng lưới GTNT không ngừng được mở rộng, nâng cấp, thúc đẩy KT-XH phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng còn nhiều khó khăn như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập…Những tuyến GTNT được thông suốt đã tăng cường kết nối giao thương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý chất lượng công trình sau khi nghiệm thu được bàn giao cho các khu quản lý, khai thác sử dụng. Nhiều khu dân cư đã xây dựng được quy chế quản lý sử dụng đường GTNT và có chế độ duy tu, bảo dưỡng; nhiều tuyến đường đã được cắm biển hạn chế tải trọng và do các tổ chức đoàn thể tự quản. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa đạt 62,8%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nằm trong khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối cơ bản với các tuyến trục giao thông Quốc gia, tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận. Từ đó thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất trong các khu công nghiệp có lợi thế gắn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.Để có giải pháp căn cơ, đồng bộ phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030, cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để triển khai các dự án giao thông quan trọng như: Xây dựng đường nối từ cầu Đồng Quang vào Khu du lịch Xuân Sơn; hoàn thiện mặt cắt ngang 45m tuyến đường QL.32C qua thành phố Việt Trì, đường Nguyễn Tất Thành kéo dài đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, cầu Vĩnh Phú, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ... Làm tốt khâu thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công... Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công, ngành Giao thông cũng vận động các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng sửa chữa, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông bằng nguồn vốn xã hội hóa. Thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung toàn bộ hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông vận tải và các địa phương... Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng các tuyến xe buýt, tuyến xe khách cố định. Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong lĩnh vực bảo trì. Chủ động phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện phát triển giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng phù hợp với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai xây dựng cầu dân sinh (dự án thành phần 2) thuộc dự án LRAM đảm bảo ATGT, chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Phương Uyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/uu-tien-phat-trien-ha-tang-giao-thong-duong-bo-172736