Ủy ban Chứng khoán Mỹ thưởng 28 triệu USD cho người tố giác tham nhũng
Theo chương trình của SEC, người tố giác được hưởng từ 10% đến 30% tiền phạt khi lời tố giác của họ dẫn đến hành động thực thi pháp luật và tổng số tiền phạt trên 1 triệu USD...
Khoản thưởng cho thấy cam kết liên tục của SEC trong việc khen thưởng cho những người tố cáo - Ảnh: Reuters
Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) mới đây cho biết đã trao khoản thưởng hơn 28 triệu USD cho một người tố giác có công giúp cơ quan này và Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành các cuộc điều tra và phát hiện loạt bê bối tham nhũng trong một công ty niêm yết tại Mỹ.
SEC cho biết đây là một trong 10 khoản thưởng lớn nhất trong chương trình dành cho người tố giác của cơ quan này, được thành lập theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010.
SEC không tiết lộ tên người tố giác và công ty liên quan tới khoản thưởng này theo quy định. Tuy nhiên, theo các luật sư đại diện cho người tố giác, đây là vụ án tham nhũng liên quan tới Panasonic Avionics Corp., chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn Nhật Bản Panasonic Corp., chuyên sản xuất hệ thống giải trí và liên lạc cho máy bay.
Theo luật sư Christopher Connors của hãng luật Law Group LLC và Andy Rickman của hãng Rickman Law Group LLP, người tố giác - không phải là nhân viên của Panasonic Avionics - đã thông báo cho SEC về hành vi sai trái của công ty này tại các nước châu Á và châu Âu, từ đó SEC mở cuộc điều tra.
Theo chương trình của SEC, người tố giác được hưởng từ 10% đến 30% tiền phạt khi lời tố giác của họ dẫn đến hành động thực thi pháp luật và tổng số tiền phạt trên 1 triệu USD.
Theo Wall Street Journal, người tố giác trong vụ Panasonic Avionics nhận được 10% tổng số tiền phạt mà công ty này phải nộp cho SEC và Bộ Tư pháp Mỹ.
“Khoản thưởng này cho thấy cam kết liên tục của SEC trong việc khen thưởng cho những người tố cáo [theo Đạo luật Chống tham nhũng Nước ngoài - FCPA] trong chương trình”, luật sư Connors và Rickman nhấn mạnh trong một thông cáo.
Hai luật sư này cho biết đây là khoản thưởng thứ ba mà SEC trao cho người tố giác liên quan tới các vi phạm luật FCPA mà khách hàng của họ nhận được trong vài năm qua.
Năm 2018, CEO của Panasonic Avionics khẳng định luôn sẵn sàng giải quyết vụ việc và đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện việc kiểm soát nội bộ và tuân thủ pháp luật. Công ty này cũng cho biết đã thông báo với cổ đông về các cuộc điều tra tham nhũng của nhà chức trách Mỹ từ tháng 2/2017.
Tháng 4/2018, Panasonic Avionics đồng ý nộp phạt cho SEC hơn 143 triệu USD để dàn xếp vụ việc, trong đó công ty bị cáo buộc vi phạm FCPA và có hành vi gian lận kế toán. FCPA cấm tuyệt đối hành vi hối lộ quan chức ở nước ngoài để giành được hoặc giữ được lợi thế kinh doanh.
Cũng trong năm 2018, SEC cáo buộc cựu CEO và cựu giám đốc tài chính của Panasonic Avionics vi phạm luật chứng khoán liên bang.
Cùng năm, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Panasonic Avionics đã đồng ý với một thỏa thuận truy tố hoãn lại và nộp phạt 137 triệu USD. Các công tố Mỹ cáo buộc công ty này giữ lại các chuyên gia tư vấn vì mục đích không chính đáng và che giấu khoản thanh toán cho các đại lý bán hàng của bên thứ ba, bao gồm ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Theo tài liệu từ nhân viên SEC mà Wall Street Journal được xem, thông tin từ người tố giác đã giúp SEC và Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra các hành vi bất chính tại công ty. Dựa trên những thông tin này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm những sai phạm khác và tiền phạt tập trung vào những sai phạm khác này.
SEC cho biết, năm 2018, Panasonic Avionics đã đề nghị chuyên gia tư vấn của một quan chức chính phủ tại một hãng hàng không quốc doanh ở nước ngoài nhằm được trợ giúp thu hút và duy trì hoạt động kinh doanh với hãng bay đó.
Theo cáo buộc của SEC, thời điểm đó, Panasonic Avionics đang đàm phán các thỏa thuận trị giá hơn 700 triệu USD với hãng hàng không. Công ty này đã thuê quan chức trên và sử dụng một nhà cung cấp bên thứ ba để che giấu các khoản thanh toán, SEC cho biết.