TP.HCM: Cải tạo cảng Khánh Hội thành nơi giá trị nhất ven sông Sài Gòn

Để phát triển kinh tế ven sông, cũng như đánh thức khu đất giá trị nhất còn sót lại ven sông Sài Gòn, hôm nay nhiều chuyên gia đã cùng tham gia thảo luận về Dự án Cải tạo cảng Khánh Hội các yếu tố tạo nên sự thành công.

Ngày 19-9, các chuyên gia trong lĩnh vực đã đến tham gia buổi thảo luận – chia sẻ về "Dự án cải tạo cảng Khánh Hội: Các yếu tố tạo nên sự thành công” được Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng tổ chức ADEME trực thuộc Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết vùng (Pháp) và Công ty Terao Asia tổ chức.

Đưa cảng Khánh Hội thành đô thị bền vững, sáng tạo

“Dự án sẽ tái thiết theo hướng trở thành khu chức năng hỗn hợp, có đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ logistic, du lịch, có những công trình tiện ích cho người dân như công viên giải trí, văn hóa mang nét đặc sắc và cạnh tranh của khu trung tâm quốc tế” - TS - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM cho biết tại buổi thảo luận.

Theo ông Tuấn, với những bổ sung đó thì khu cảng Khánh Hội sẽ có những giá trị văn hóa, lịch sử, chiều sâu của phát triển, công nghệ tiên phong và đột phá. Tuy nhiên, song song đó thì phải giải quyết bài toán quỹ đất, giao thông, mô hình TOD, phát triển giao thông công cộng, kết nối giao thông liên vùng dọc bờ sông.

“Cảng là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta khi dòng sông Sài Gòn dẫn sâu vào nội đô, có cảng tiếp nhận được tàu lớn. Nói đến khu cảng này là nói đến cửa ngõ thông thương từ TP.HCM ra quốc tế” - ông Nguyễn Hải Linh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS TP.HCM nói thêm.

Theo ông Linh, cảng Khánh Hội sẽ nâng tầm TP, kế thừa, tiếp nối từ hiện tại đến tương lai. Đây sẽ là một khu cảng mà chúng ta có thể phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế đa chức năng. Đồng thời giải quyết những vấn đề TP.HCM còn đang thiếu về du lịch như ẩm thực về đêm, các bảo tàng ven sông Sài Gòn, trung tâm mua sắm và những khu đa phức hợp khác.

“Ngoài ra, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ vì đây là cảng quốc tế, tiếp nhận tàu khách quốc tế và liên quan đến tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 trong tương lai. Cầu này cao hay thấp là do định hướng nơi đây có tiếp nhận tàu khách hay không nên cần thảo luận kỹ” - ông Linh phân tích.

 Khu cảng Khánh Hội được xem là khu đất giá trị nhất ven sông Sài Gòn mà TP.HCM có thể cải tạo, phát triển. Ảnh: K.C

Khu cảng Khánh Hội được xem là khu đất giá trị nhất ven sông Sài Gòn mà TP.HCM có thể cải tạo, phát triển. Ảnh: K.C

"Của để dành" giá trị nhất ven sông Sài Gòn

“Chúng ta phải tư duy khu vực cảng Khánh Hội này là “của để dành” không phải chỉ cho quận 4 mà cho cả TP.HCM và toàn vùng. Tôi đồng ý khu vực này cần bổ sung các chức năng, kể cả nhà hát và các công trình nhưng công trình nào thì phải lựa chọn kỹ lưỡng vì không đủ không gian cho chúng ta “nhét” tất cả những gì chúng ta muốn” - KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM lưu ý.

Theo ông Vũ, các công trình ở đây cần tạo ra giá trị cho cư dân chứ không chỉ phục vụ cho các chủ bất động sản dọc theo cảng. Công trình đó cũng phải tạo được thương hiệu cho TP.HCM nói chung và quận 4 nói riêng khi giới thiệu với bạn bè thế giới.

“Chúng ta phải giải quyết cả vấn đề giao thông và ngập nước. Hiện nay, khu cảng ở quận 4 này là đất trống và sẽ hình thành các đô thị hiện đại trong tương lai đối diện bên kia bờ Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau lưng khu cảng phía quận 4 là khu vực có mật độ dân cư hiện hữu cao nên việc làm sao hài hòa không gian và yếu tố văn hóa là rất quan trọng” - ông Vũ phân tích.

Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng việc chuyển đổi phải đưa được các chức năng có giá trị cao vào khu vực này như giáo dục, y tế, thương mại, phát triển số, kỹ thuật cao, kinh tế xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Lê Hữu Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh (Sở Văn hóa- Thể thao TPHCM) có đề xuất nên xây dựng nhà hát và bảo tàng dọc khu cảng Sài Gòn – Khánh Hội để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, bảo tồn các di sản văn hóa và tạo không gian nghệ thuật đa dạng.

“Chúng ta cần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái đường sông giúp khám phá và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương. Tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội thể thao dưới nước để đẩy mạnh du lịch, thể thao giúp thu hút khách quốc tế. Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ven sông hướng biển. Các chính sách này có thể bao gồm việc cho thuê đất, miễn giảm thuế và hỗ trợ vay vốn” - ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Nhà Bè góp ý.

Vào tháng 6-2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM đến Paris (Pháp). Trong chuyến thăm Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với các chuyên gia về bền vững đến từ Pháp.

Một trong những dự án của biên bản ghi nhớ là thực hiện nghiên cứu khả thi để xem xét các giải pháp quan trọng về mặt kỹ thuật và kinh tế cần được thực hiện. Các giải pháp này được đề xuất để cải tạo và làm đẹp cảng Khánh Hội, biến nơi đây thành một khu vực bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khu vực này vừa là nơi có tính văn hóa - thương mại, vừa là điểm đến du lịch năng động với không gian công cộng xanh rộng lớn.

Nghiên cứu này nhằm chứng minh rằng chiến lược tái phát triển cảng Khánh Hội có thể mang lại lợi ích kinh tế mạnh mẽ cho TP.HCM.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-cai-tao-cang-khanh-hoi-thanh-noi-gia-tri-nhat-ven-song-sai-gon-post810896.html