Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với EVN về Luật Điện lực sửa đổi
Chiều ngày 15/7/2024, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với EVN về Luật Điện lực sửa đổi.
Ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác và chủ trì cuộc họp.
Tham gia cuộc họp còn có các Phó Chủ nhiệm, lãnh đạo thuộc Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, lãnh đạo các Cục, vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương, một số chuyên gia năng lượng.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc, Ban Tổng giám đốc và các lãnh đạo ban chuyên môn.
Tại cuộc họp, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết, Ủy ban được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Luật Điện lực sửa đổi lần này. Trên cơ sở hồ sơ dự thảo Luật lần 4 do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, Ủy ban đã tổ chức buổi làm việc nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp, trong đó có EVN, làm cơ sở để thẩm tra dự án Luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 23/8 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 - khóa XV vào tháng 10/2024.
Theo ông Tạ Đình Thi, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã tương đối đầy đủ và toàn diện, bám sát 6 chính sách lớn đã được thông qua. Tuy nhiên vẫn cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi dự án Luật được thông qua. Theo đó, phải trả lời được câu hỏi Dự thảo Luật có giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện hành hay không? Có dự báo những khó khăn phát sinh trong thời gian tới hay không?
Trong đó cần làm rõ các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có quản lý, vận hành, điều tiết sẽ như thế nào, tác động ra sao, để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế trong thời gian tới?.
Bên cạnh đó là các nội dung liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo vì đây là nội dung mới; các vấn đề giá điện, thị trường điện theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; thủ tục hành chính, cấp phép. Ngoài ra là các vấn đề an toàn điện; tính đồng bộ, thống nhất của Luật với các Luật khác.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn- Tổng giám đốc EVN đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn trong việc thực hiện triển khai các dự án nguồn và lưới điện; công tác đảm bảo an ninh cung cấp điện; thủ tục hành chính khi đầu tư, đàm phán mua bán điện; các vấn đề liên quan đến thẩm quyền lựa chọn, phê duyệt nhà đầu tư; công tác đấu thầu; khung giá điện năng lượng tái tạo; chính sách giá điện, an toàn điện... Đồng thời kiến nghị, trong Luật mới cần có những quy định cụ thể, tháo gỡ được các khó khăn hiện hữu.
Đóng góp ý kiến với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, dự thảo Luật điện lực sửa đổi muốn có tính khả thi cần phải đồng bộ với các quy định của Luật khác nhưng muốn vậy phải sửa đổi các Luật cho phù hợp, đặc biệt là Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng...nếu không khi ban hành rồi vẫn sẽ vướng. Đồng thời, đề nghị cần xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thời gian phê duyệt, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật theo đúng quy định của pháp luật, bám sát các Nghị quyết của Trung ương, cũng như chỉ đạo của Chính phủ. Dự thảo cũng đã được lấy ý kiến rộng rãi, công khai bằng nhiều hình thức khác nhau, được tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình cơ quan có thẩm quyền.
Theo Thứ trưởng, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với EVN và EVN đã có nhiều ý kiến góp ý được Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa. Trên cơ sở các ý kiến về từng nội dung và qua quá trình rà soát, thẩm tra, Bộ Công Thương mong muốn Ủy ban KHCN&MT tiếp tục có những chỉ đạo để Bộ hoàn thiện dự án Luật.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo của EVN về dự án Luật điện lực sửa đổi và mong rằng EVN sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ủy ban, Bộ Công Thương trong quá trình rà soát, đánh giá các nội dung của Luật với mục tiêu sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành để làm cơ sở đẩy nhanh việc thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Chủ nhiệm Ủy ban cũng đề nghị EVN tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo góp ý của các thành viên đoàn công tác; trong đó tập trung vào các vấn đề như: Quy hoạch, đầu tư phát triển các dự án điện; an ninh năng lượng; giá điện, an toàn điện… Tuy nhiên, cần đề xuất, kiến nghị rõ hơn những nội dung còn vướng mắc nhưng theo hướng vĩ mô, còn những chi tiết, giải pháp cụ thể có thể đưa vào các văn bản hướng dẫn.