Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Ngày 21/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, hội nghị đã thu hút sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư và các đại biểu đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là yêu cầu khách quan, cấp thiết nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương quan trọng của Đảng về tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Văn Minh

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Văn Minh

Một trong những nội dung trọng điểm được đưa ra thảo luận là sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp. Đây được xem là bước đi then chốt nhằm thể chế hóa chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh mới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, mô hình ba cấp hành chính hiện nay: tỉnh, huyện, xã đang bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là vai trò trung gian của cấp huyện đã không còn phù hợp. Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình hai cấp chính quyền (tỉnh và cơ sở) sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, giảm tầng nấc trung gian, phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa quản trị công.

Bà Ung Thị Xuân Hương - Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM kiến nghị cần quy định rõ ràng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời để ngỏ khả năng tổ chức hoặc không tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND ở cấp cơ sở, căn cứ theo đặc thù của từng địa phương.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý. Ảnh: Văn Minh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý. Ảnh: Văn Minh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 110 theo hướng xác định rõ hai cấp hành chính: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Tên gọi đơn vị cấp cơ sở như xã, phường, thị trấn hay đặc khu nên được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự linh hoạt.

Ngoài ra, ông Hậu cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thống nhất thuật ngữ “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “đặc khu” trong hệ thống pháp luật, đồng thời đề xuất ban hành tiêu chí khoa học, rõ ràng để phân loại, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Góp ý về các quy định chuyển tiếp, nhiều đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ chế chuyển tiếp đồng bộ, chi tiết và khả thi để quá trình sắp xếp đơn vị hành chính không gây xáo trộn đời sống người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý rằng khi chấm dứt hoạt động của cấp huyện, cần quy định rõ về quy trình bàn giao hồ sơ, tài chính, tài sản công và cán bộ, công chức, đồng thời bảo đảm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý còn tồn đọng.

Các giải pháp hành chính cũng cần được cụ thể hóa, đặc biệt là việc xử lý các thủ tục đang giải quyết tại cấp huyện, công bố rõ nơi tiếp nhận mới để tránh gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Các giấy tờ pháp lý hiện hành nên tiếp tục được công nhận hiệu lực cho đến khi người dân có yêu cầu điều chỉnh hoặc đổi mới theo lộ trình được miễn hoặc giảm lệ phí.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung góp ý. Ảnh: Văn Minh

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung góp ý. Ảnh: Văn Minh

Về nhân sự, các đại biểu đề nghị xây dựng chính sách sắp xếp cán bộ một cách nhân văn, phù hợp, có lộ trình rõ ràng. Đồng thời, việc cho phép chỉ định người không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND trong giai đoạn đặc biệt cần được quy định chặt chẽ, minh bạch. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung kiến nghị bổ sung nội dung này theo hướng cụ thể hóa điều kiện áp dụng.

Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đánh giá cao là việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đây là sự đổi mới mang tính chiến lược, góp phần hợp nhất hoạt động các tổ chức dưới sự chủ trì thống nhất của Mặt trận Tổ quốc, từ đó tăng cường hiệu quả phối hợp và khắc phục tình trạng chồng chéo.

Bên cạnh việc khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận, các đại biểu đề xuất cụ thể hóa cơ chế “chủ trì” và “thống nhất hành động” để vừa phát huy vai trò của từng tổ chức thành viên, vừa nâng cao năng lực giám sát và phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận.

Để nâng cao hiệu quả thực thi, cần thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng, buộc các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình, tiếp thu và xử lý kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận.

Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm này vào Điều 9 của Hiến pháp hoặc trong các luật chuyên ngành như Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin từ phía cơ quan nhà nước, cùng với việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của hệ thống Mặt trận.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/uy-ban-mttq-viet-nam-tp-hcm-to-chuc-lay-y-kien-gop-y-sua-doi-hien-phap-nam-2013-318129.html