Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra về các đề án điều chỉnh địa giới, thành lập đơn vị hành chính
Sáng 29-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 32 để thẩm tra, cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về các đề án: Thành lập thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định); phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); 5 phường thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông. Đối với trường hợp thành lập các phường và thị trấn, các đơn vị đều bảo đảm điều kiện và đạt các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội theo quy định.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nghiên cứu và cơ bản tán thành với sự cần thiết của các đề án theo các Tờ trình của Chính phủ. Qua xem xét, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Các đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định. Đối với những vấn đề Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giải trình, Chính phủ và chính quyền các tỉnh cần giải trình cụ thể, thuyết phục, có giải pháp trong việc tổ chức thực hiện thuận lợi, công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân. Trong trường hợp Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 1-2-2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu, các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của các đề án. Đồng thời, đồng chí Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, cần rà soát, chỉnh sửa chính xác các số liệu về các đơn vị hành chính để bổ sung, hoàn thiện vào các đề án. Hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động của các đề án.