ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA CÁC TỜ TRÌNH VỀ ĐỀ ÁN SẮP XẾP, THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ CỦA TỈNH TIỀN GIANG VÀ BÌNH DƯƠNG

Sáng 01/3, tại Bắc Giang, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 20, thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 20

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 20

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Trình bày tóm tắt các Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 xã An Điền và An Tây. Đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình

Sau khi thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có giảm 01 thị xã, 02 xã và tăng 01 thành phố, 02 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%.

Tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 04 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; Sắp xếp 04 phường thành 02 phường; Thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công. Trong đó, 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa đã đạt tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường theo quy định. Thị xã Gò Công cũng đã được công nhận công nhận là đô thị loại III.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 01 thành phố và giảm 01 thị xã; đồng thời giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 02 phường, giảm 04 xã). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,40%. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của các địa phương thì việc thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; và thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang với các lý do như đã thể hiện tại các Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập 04 phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tán thành với Tờ trình và Đề án của Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa cho rằng, thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang có đặc thù là có đường bờ biển dài, khi nâng cấp lên thành phố cần tạo điều kiện phát triển nhanh kinh tế biển, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa mặc dù đều đạt các tiêu chí để thành lập phường theo quy định nhưng tỉ lệ không cao. Do đó, đại biểu đề nghị lãnh đại địa phương quan tâm đầu tư phát triển, nâng cấp đô thị trên địa bàn.

Nhất trí với việc thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị địa phương quan tâm hơn nữa đến quản lý dân số cơ học, khối lượng lớn dân cư tạm trú, bảo đảm an ninh trật tự xã hội; giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thống nhất cao với Tờ trình và Đề án của Chính phủ; đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương đã có sự chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng hồ sơ, đánh giá sát tiêu chuẩn, điều kiện.

Nhận thấy các đơn vị đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường, thành phố theo quy định, hồ sơ, thủ tục cũng đã bảo đảm các nội dung theo quy định, Ủy ban Pháp luật tán thành cao với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các tỉnh quan tâm, tăng cường đầu tư giải quyết vấn đề đặt ra sau khi thành lập đơn vị hành chính đô thị. Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng theo yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; trong đó, cần rà soát kỹ lưỡng, lí giải thuyết phục các trường hợp không sắp xếp đơn vị hành chính vì yếu tố đặc thù.

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Pháp luật đã nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám phát biểu

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám phát biểu

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao đổi, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao đổi, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc trao đổi, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc trao đổi, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp và làm rõ một số nội dung

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp và làm rõ một số nội dung

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85023