Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Sáng 19/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Mặc dù Ủy ban QLVNN đã đạt được một số kết quả bước đầu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà Ủy ban cần sớm khắc phục. Đó là, một số công việc xử lý còn chậm, trong đó có việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của tập đoàn, tổng công ty. Công tác cán bộ, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại DN được bàn giao từ các bộ về Ủy ban cần kịp thời hơn nữa. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động còn lúng túng, còn có tổng công ty Nhà nước (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam) tiếp tục còn thua lỗ...
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật có liên quan còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ làm phát sinh vướng mắc; các bộ, ngành, cơ quan còn chưa chủ động phối hợp với Ủy ban trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban phải thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật, các quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Ủy ban cần sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tập trung đánh giá khó khăn do tác động của động của dịch COVID-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt... Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp trực tuyến trong tháng 3", Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Về công tác nhân sự, trong năm 2020 việc kiện toàn, bổ sung đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ủy ban theo quy định; bảo đảm tuyển chọn được lãnh đạo, cán bộ, công chức có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới; kiện toàn đầy đủ các chức danh chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty hiện còn thiếu.
Trong đó, việc điều động cán bộ của Ủy ban, các bộ, địa phương về làm cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt, kiểm soát viên tại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc cần hết sức thận trọng, thấu đáo, cần có kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm quản lý phù hợp với lĩnh vực điều động, có năng lực trình độ, đạo đức phẩm chất tốt; ưu tiên nhân sự tại chỗ, không làm mất cơ hội của những cán bộ có năng lực đã được đào tạo cơ bản của tập đoàn, tổng công ty.
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt theo Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tập trung cơ cấu lại toàn diện về sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, nhân sự và quản trị của tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.
Đồng thời, Ủy ban QLVNN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, DN Nhà nước thuộc Ủy ban.
Bộ GTVT và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/3/2020, báo cáo đề xuất Chính phủ để xem xét, quyết định đối với kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế đặc thù tuyển dụng kiểm soát viên tại DN Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các DN quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp than khoáng sản; các Tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2...