Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng không nhân dân
Việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp, trong đó có quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Sáng 19/3, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng không nhân dân.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và để chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024, Thường trực UBQPAN tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình số 86/TTr-CP ngày 10/3/2024 của Chính phủ đối với dự án Luật Phòng không nhân dân.
Dự án Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023; theo đó Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp, trong đó có quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật về Phòng không nhân dân; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng lực lượng Phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Thiếu tướng Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các loại vũ khí công nghệ cao, các loại vũ khí tiến công đường không như: Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thi hành pháp luật về phòng không nhân dân đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập... Từ những lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân...
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng không nhân dân, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực UBQPAN của Quốc hội cho biết, UBQPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân với những căn cứ chính trị, pháp lý và căn cứ thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành luật là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp trong đó có quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; kế thừa các quy định về tổ chức phòng không nhân dân trong Luật Quốc phòng năm 2005 và cụ thể hóa Luật Quốc phòng năm 2018 về “Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước”.
Thường trực UBQPAN đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng tác động các chính sách của dự án Luật, đặc biệt là việc huy động lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng không nhân dân trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Cần đánh giá, làm rõ những vướng mắc cụ thể về mặt pháp lý, thực tiễn của việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh 5 vấn đề, nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và dự thảo báo cáo thẩm tra của UBQPAN. Hồ sơ dự án luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều tài liệu chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tới đây.