Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí đề xuất Nghệ An có tối đa 5 phó chủ tịch tỉnh
Sáng 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/07/2023 của Bộ Chính trị.
Dự thảo nghị quyết được xây dựng trên 4 nhóm quan điểm chỉ đạo và nội dung cơ bản quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng 14 chính sách. Đáng chú ý, có 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.
Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ NSTƯ cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTƯ bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết UBTVQH về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 4: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).
Thống nhất với sự cần thiết và quan điểm xây dựng Nghị quyết
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Đa số ý kiến Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, TP. Vinh đang thực hiện mở rộng địa giới đơn vị hành chính, theo đó, dự kiến sẽ sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP. Vinh; sau khi mở rộng khối lượng công việc sẽ tăng lên, đòi hỏi phải tăng cường bộ máy quản lý.
Đồng thời, việc bổ sung chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho TP. Vinh là cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển TP. Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ và là một trong những đô thị lớn của cả nước theo đúng định hướng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Việc tăng cường tổ chức bộ máy cho một số cơ quan của tỉnh Nghệ An cũng không làm tăng biên chế hành chính do khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào TP. Vinh đã tinh gọn đáng kể tổ chức bộ máy và biên chế.
Ngoài ra, về đặc thù về số lượng cấp phó (khoản 1 Điều 6), dự thảo Nghị quyết quy định: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Nghị quyết.