Ủy ban Thượng viện Thụy Sĩ thông qua kế hoạch đàm phán với EU
Sau khi cân nhắc tất cả các lợi ích, Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện Thụy Sĩ đã thông qua kế hoạch đàm phán với EU với tỷ lệ 9 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống, và 1 phiếu trắng.
Sau Hạ viện, Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện Thụy Sĩ ngày 13/2 đã thông qua nội dung chung của dự thảo ủy nhiệm đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) do chính phủ Thụy Sĩ trình hồi tháng 12.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện Thụy Sĩ dù không hài lòng với một số nội dung đàm phán mới giữa chính phủ Thụy Sĩ với EU, như cơ chế giải quyết tranh chấp theo kế hoạch, dự thảo thỏa thuận về điện và việc thông qua chỉ thị về quyền công dân châu Âu, nhưng sau khi cân nhắc tất cả các lợi ích, ủy ban vẫn thông qua dự thảo với tỷ lệ 9 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống, và 1 phiếu trắng.
Thông báo của ủy ban khẳng định kết quả của các cuộc đàm phán mang tính thăm dò tạo ra cơ sở tốt để tiến hành thảo luận và đạt được kết quả thỏa đáng. Điều này không chỉ tính đến lợi ích của Thụy Sĩ mà còn góp phần đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý lâu dài.
Ngoài cách tiếp cận từ hai bên dựa trên nội dung thỏa thuận mới, Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện Thụy Sĩ hoan nghênh việc đưa quy tắc thể chế vào các thỏa thuận tiếp cận thị trường.
Ủy ban này cho rằng điều quan trọng là các quy tắc được đàm phán về viện trợ nhà nước chỉ nên áp dụng theo ngành trong khu vực hoặc hiệp định liên quan và không nên có tác động theo chiều ngang.
Ủy ban cũng thông qua việc đàm phán các thỏa thuận mới trong lĩnh vực điện, y tế và an toàn thực phẩm, giúp Thụy Sĩ có thêm cơ hội để tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác.
Ngoài ra, ủy ban cũng đưa ra những yêu cầu bổ sung, như bất kỳ biện pháp bồi thường nào chỉ có hiệu lực sau khi hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết. Ủy ban cũng kêu gọi đảm bảo bằng hợp đồng về các hình thức và năng lực sản xuất hiện tại trong ngành điện.
Ủy ban chính sách đối ngoại Thượng viện Thụy Sĩ cũng kêu gọi giới hạn rõ ràng về quyền tài phán của Tòa án Công lý EU, để tòa án này chỉ can thiệp gián tiếp nếu cần thiết và theo yêu cầu của hội đồng trọng tài để giải thích các khái niệm về luật pháp của EU./.