Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn.
Tiếp tục Phiên họp thứ 36, hôm nay 15/8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
15 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát lại các nội dung đã được giám sát, chất vấn.
Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: những nội dung trong nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những tồn tại, hạn chế, các đề xuất, kiến nghị đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra sẽ là cơ sở để Ủy ban Thường vụ và các Đại biểu quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn để làm rõ thêm các vấn đề.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông về vấn đề quản lý thông tin trên mạng xã hội: "Về vấn đề mạng xã hội ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ thông tin truyền thông ngăn chặn xử lý. Bộ công an đã triệt phá nhiều vụ việc nghiêm trọng. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả nổi bật ấn tượng nhất từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay. Các giải pháp đột phá xử lý cơ bản những vấn đề bức xúc trên ? có chấm dứt được tình trạng sim rác không?"
Trả lời vấn đề này, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ đã đầu tư đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng Quốc gia, giám sát thông tin trên an ninh mạng, khả năng xử lý 100 triệu tin 1 ngày, có thể đánh giá thông tin tiêu cực và tích cực. Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên 30%, sau khi tác động điều chỉnh hiện thông tin tiêu cực dưới 10%:
“Đấu tranh với mạng xã hội nước ngoài trong khi chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp trong một năm qua Bộ đã rất tích cực, đối với Facebook trước đây khi nhà nước đưa ra yêu cầu họ chỉ thực hiện được khoảng 30% thì bây giờ họ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền Việt Nam từ 70-75%. Youtube thực hiện tuân thủ tốt hơn trước đây khoảng 60%, bây giờ 80-85%. Apple gần như không thực hiện thì bây giờ đã tỷ lệ thực hiện là 75% các yêu cầu. Về vấn đề sim rác trong 1 năm qua chúng ta đã cơ bản cắt bỏ những sim không đủ thông tin"
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến các dự án đầu tư công chậm, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng cho biết: do tâm lý ỉ lại của Luật đầu tư công cho phép giải ngân trong 2 năm. Các vấn đề như về giải phóng mặt bằng; đấu thầu, tái định cư…. đều thực hiện rất chậm. Bộ trưởng khẳng định sẽ không bố trí vốn đầu tư cho những năm tiếp theo đối với những dự án chậm giải ngân.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa. Qua kiểm tra đôn đốc vừa rồi chúng tôi thấy tâm lý e ngại, chậm lại các thủ tục theo quy định tác động đến tiến độ rải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó cần rà soát, điều chuyển các nguồn vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án nhanh hơn để đảm bảo hiệu quả của dự án cũng như sẽ không bố trí vốn cho năm tới khi các dự án không có dự án tiếp theo”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Cũng trả lời đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Hiện đầu tư có nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán. Một trong những nguyên nhân chậm là dự toán chậm dẫn đến giải ngân chậm. Bộ trưởng thừa nhận ở đây cũng có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến xem xét, phê duyệt:
“Giao kế hoạch chậm, trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án. Nhiều vấn đề nội tại như đền bù, giải phóng mặt bằng vốn đối ứng… làm ảnh hưởng đến dự án. Chỗ này sẽ báo cáo thêm với chính phủ để có bước phân công hợp lý hơn, nhất là tới đây trong việc triển khai Luật đầu tư công mà Quốc hội mới thông qua. Còn chậm tiến độ và đội vốn trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư còn các Bộ ngành chúng tôi có liên quan đến xem xét, phê duyệt dự án, có trách nhiệm”. /.