Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát

Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành liên quan.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Phiên chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề, về lĩnh vực tư pháp: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp; giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật; giải pháp cho việc khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án; trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật.

Về lĩnh vực nội vụ, việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua; giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính; giải pháp để phát huy hiệu quả của việc xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp; thông tin về tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương; giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã…

Về lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, giải pháp đảm bảo công tác trật tự đô thị trong thời gian tới; trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật.

Về lĩnh vực thanh tra, tòa án, kiểm sát, các giải pháp đã được triển khai và những chuyển biến trong việc tỷ lệ yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; giải pháp để thực hiện thi hành án hành chính; giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trực tiếp trả lời chất vấn.

Kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Đối với nhóm lĩnh vực này có tổng số 39 ĐBQH phát biểu, trong đó 36 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các ĐBQH chất vấn tập trung vào những vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm các câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm và tranh luận; nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH. Qua các báo cáo đã gửi ĐBQH và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những hạn chế trong từng lĩnh vực, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-chat-van-nhom-linh-vuc-tu-phap-noi-vu-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-thanh-3171494.html