Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại phiên họp thứ 23.
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (9/5) và dự kiến kéo dài đến 12/5, sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng.
Đáng chú ý, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Sáng 7/5, Đảng đoàn Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết số lượng chính sách trình lần này nhiều và rộng với hơn 40 chính sách cụ thể, có những chính sách đã được áp dụng tại một số địa phương, đồng thời có những chính sách mới lần đầu tiên trình nên cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, buổi làm việc nhằm tiếp tục cho ý kiến để đi đến đồng thuận, đảm bảo khi trình Quốc hội được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM", sẽ sớm có giải pháp chính sách cho sự phát triển của TP.HCM; đồng thời là cơ hội để thí điểm, tiến tới luật hóa các cơ chế chính sách hiệu quả để có thể áp dụng chung trong cả nước.
Cũng tại phiên họp thứ 23, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021.
Về công tác khác, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2023; xem xét, quyết định việc bổ sung mua bù hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030.
Ngoài ra, về nội dung dự phòng, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cho ý kiến về một số nội dung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (nếu chuẩn bị kịp tài liệu), gồm: dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023); đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính; việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...