Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Tòa án nhân dân tối cao) và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện một bước dự thảo Luật. Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như sau:

Về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên, theo nội dung của khoản 1 Điều 10 và khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật trình Quốc hội thì: Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm (tức là chỉ nằm trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án đó).

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên, theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi Hòa giải viên được bổ nhiệm, Hòa giải viên có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh. Quy định như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm. Đồng thời, với phạm vi hoạt động của Hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng Hòa giải viên và kịp thời đề nghị Chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó các bên được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: Đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 03 trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Đồng thời Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành sự cần thiết phải có cơ chế xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhất là của người thứ ba. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục xem xét lại Quyết định này bên cạnh yêu cầu phải bảo đảm chặt chẽ, cần bảo đảm yêu cầu khẩn trương, nhanh gọn, phát huy tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này. Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, về người có quyền đề nghị, kiến nghị: quy định đương sự có quyền đề nghị, Viện kiểm có quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định; về thẩm quyền giải quyết: giao cho Tòa án cấp trên xem xét lại Quyết định này; về trình tự, thủ tục xem xét lại Quyết định: sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, kiến nghị, Chánh án phải phân công Thẩm phán xem xét giải quyết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu và phải ra quyết định giải quyết.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng vấn đề phạm vi hoạt động của Hòa giải viên nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tán thành quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê thị Nga cho rằng do đây là dự án Luật mới, do đó để đảm bảo phạm vi hoạt động của Hòa giải viên có mối liên hệ chặt chẽ với Tòa án nơi làm việc và đảm bảo trách nhiệm quản lý của Tòa án thì nên giữ như quy định của dự Luật: Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm. Sau khi Luật đã đi vào đời sống ổn định thì có thể cân nhắc, xem xét đến vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề phạm vi hoạt động của Hòa giải viên là vấn đề mới, nếu mở rộng phạm vi hoạt động thì phải cân nhắc kỹ vì chưa có thực tiễn và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời chưa nên đặt vấn đề về thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và cần đơn giản hóa các trình tự, thủ tục trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đảm bảo sự phù hợp, thuận lợi cho người dân.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung về một số vấn đề lớn trong báo cáo của Ủy ban tư pháp, riêng vấn đề về mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến tại Phiên họp để hoàn chỉnh dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43773