ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, chiều 16/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tham dự Phiên họp còn có đại điện một số bộ ngành của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội....
Tại Phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày Tờ trình Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đề án được xây dựng và trình Quốc hội xem xét theo Nghị quyết số 124/QH14. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề sau:
Thứ nhất, sự cần thiết xây dựng dề án, căn cứ pháp lý để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Quốc hội xem xét Đề án.
Thứ hai, căn cứ pháp lý để Quốc hội có Nghị quyết về an ninh nguồn nước và Nghị quyết nên tiếp cận theo hướng nào? Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để phê duyệt Đề án hay Quốc hội có Nghị quyết về an ninh nguồn nước, còn Đề án Chính phủ sẽ phê duyệt. Quốc hội sẽ có Nghị quyết riêng hay đưa thành một nội dung trong Nghị quyết chung của Kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.
Thứ ba, nếu ban hành Nghị quyết thì lưu ý những vấn đề gì? Quan điểm, mục tiêu, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện những nhiệm vụ Dự thảo Nghị quyết giao cho Chính phủ đã hợp lý chưa, nhất là việc giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đầu tư công, bố trí nguồn lực. Việc chia hai thời điểm đến năm 2030 và đến năm 2045 để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã được hay chưa? Hay cân nhắc chia 2 thời điểm để đạt mục tiêu đến năm 2025 -2030 để gắn với các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, và mục tiêu đến năm 2055 chỉ nên đề cập mục tiêu phấn đấu để đảm bảo nguồn lực thực hiện Nghị quyết.
Thứ tư, Quốc hội phải xem xét Đề án theo Nghị quyết số 124/2020/QH14, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, căn cứ xây dựng phạm vi, đối tượng điều chỉnh Đề án, bố cục và nội dung cơ bản của Đề án, đặc biệt lưu ý về nguồn lực thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án và Báo cáo thẩm tra đã đủ điều kiện để trình Quốc hội hay chưa, có những nội dung nào cần báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị.
Cần thiết xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước
Trình bày Tờ trình về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước.
Việt Nam là nước thuộc số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới nhưng phân bố không đều cả về không gian và thời gian. Một số vùng, một số khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa như Bình Thuận, Ninh Thuận. Cùng với đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nguồn nước ở nhiều khu vực bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi tổng nhu cầu nước tăng cao theo từng năm. Cùng với đó, công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn so với năng lực thiết kế. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số đô thị, sẽ là thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cấp nước.
Hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3 nhưng công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn nước đang được nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, cơ chế phối hợp còn bất cập. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực trạng trên, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng với những phân tích trên thì rõ ràng đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cần rà soát, xem xét kỹ nội dung tổng thể của Đề án
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Đề án. Về những nội dung còn ý kiến khác nhau, một số ý kiến băn khoăn về cụm từ “an ninh nguồn nước” vì nội hàm hẹp hơn so với khái niệm “an ninh nước". Tuy nhiên, nếu sử dụng cụm từ “an ninh nước” để bao quát đầy đủ, toàn diện hơn theo tiếp cận quốc tế thì dễ gây hiểu lầm với khái niệm “quốc gia” hay “đất nước”; còn nếu sử dụng cụm từ “an ninh tài nguyên nước” cũng không đầy đủ. Một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên thể hiện nội dung “an toàn đập, hồ chứa nước” trong tên của Đề án, bởi đây chỉ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện để bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với sự cần thiết xây dựng Đề án này, cho rằng nội dung nghiên cứu Đề án khá đầy đủ, có tầm nhìn dài hạn, tuy nhiên đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm rõ hơn nếu thay đổi tên Nghị quyết thì thay đổi các nội dung trong báo cáo để đảm bảo chặt chẽ và phải thể hiện được sự đồng tình của Bộ trong việc thay đổi tên gọi.
Về giải pháp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng giải pháp không tương ứng sẽ không đạt được mục tiêu. Mục tiêu nêu ra là chủ động nguồn nước, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồng ngước bên ngoài, trong khi đó thực tế nước ta chỉ có 37% nguồn nước nội sinh, còn lại là phục thuộc bên ngoài. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, thực tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trữ lượng nguồn nước ngầm ở nước ta tuy lớn nhưng ô nhiễm nước ngầm ngày càng gia tăng, ô nhiễm nước mặn cũng không kém. Bên cạnh đó, việc chôn lấp rác thải hiện nay còn bừa bãi và chiếm tỉ lệ lớn, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống nước ngầm của nước ta. Do đó phải thay đổi công nghệ, thay đổi tập quán của người dân cũng như việc chôn lấp rác thải.
Liên quan đến vấn đề tên gọi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và nhận thấy rằng, tên gọi của Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045” như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp.
Về quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, như Tờ trình của Chính phủ, nước là nguồn lực quan trọng của quốc gia, phải chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, có thể coi Đề án ở mức độ như Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên đề nghị thêm từ “Phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu” trong Quan điểm của Đề án chứ không chỉ có “thích ứng với biến đổi khí hậu” như Tờ trình đã nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chia giai đoạn rõ ràng, phải khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời phải bổ sung, chỉnh sửa Đề án chi tiết hơn, cụ thể hơn, giao Chính phủ tổ chức thực hiện trong giai đoạn 10 năm tới để đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rất công phu, dành riêng một buổi để thảo luận cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 cho thấy tầm quan trọng của nội dung này.
Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự băn khoăn về tên gọi cũng như nội hàm của an ninh nước, đồng thời cho rằng cách dùng nào, tên gọi nào phù hợp với quốc tế nhất thì sử dụng và lựa chọn. Về quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, an ninh nước phải gắn với quản lý, khai thác, sư dụng có hiệu quả tài nguyên nước và kinh tế hóa tài nguyên nước. Tuy nhiên nội dung này trong Đề án chưa thể hiện rõ nét. Đề nghị quan điểm tổng hợp quản lý tài nguyên nước cần thể hiện rõ và cụ thể hơn, các giải pháp cấp bách cần có trọng tâm, trọng điểm. Các vấn đề khác liên quan đến nước như quy hoạch, kinh tế, kỹ thuật, tài chính, hợp tác quốc tế, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng phải thể hiện rõ trong Đề án. Đồng thời cần quan tâm đến giải pháp liên quan nhận thức tài nguyên nước, huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 có thể trình Bộ Chính trị cho ý kiến, căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, sau đó Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đề án nên tách riêng thành 2 lĩnh vực. Bởi Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước là đề án lớn, nên Đề án an toàn hồ, đập chứa nước có thể tách riêng. Đây là vấn đề cấp thiết của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ tên gọi để đúng với thông lệ quốc tế, đồng thời cần bổ sung đánh giá về thiệt hại, đánh giá tiềm năng nguồn nước của Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là làm sao cân bằng rủi ro, cơ hội để có thể cân bằng 3 nhóm vấn đề chính : xã hội - kinh tế - môi trường, qua đó giảm thiểu rủi ro về nguồn nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến và căn cứ vào kết luận đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cụ thể hóa nội dung này.
Cũng tại phiên họp, đại diện một số bộ ngành của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đã giải trình làm rõ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, đồng thời tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng sẽ nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án và báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Đề án
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực xây dựng Đề án của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rõ ràng, cụ thể, công phu và khoa học. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có Nghị quyết của Quốc hội về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước.
An ninh nguồn nước cũng là phục vụ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững theo Nghị quyết 39 và là vấn đề chiến lược lâu dài, có tầm quan trọng đặc biệt, thực hiện cam kết quốc tế về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thể hiện vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Qua thảo luận và ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Đề án nếu hoàn chỉnh một số nội dung thì sẽ đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.
Về các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét Đề án là đúng nhiệm vụ Quốc hội giao theo Nghị quyết 24. Tuy nhiên để đúng thẩm quyền, Quốc hội chỉ ban hành Nghị quyết về vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước vì đây là vấn đề quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Còn Đề án, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2021 để hoàn chỉnh và phê duyệt theo thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án và báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Đề án.
Về tên gọi Nghị quyết của Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án thể hiện tốt nhất, trong đó chủ yếu đề cập vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập và bổ sung thêm một số quan điểm để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, và thời hạn từ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phù hợp với Nghị quyết 124/QH14 và yêu cầu thực tiễn. Đồng thời Đề án phải hướng đến mục tiêu bảo đảm nhu cầu nước cho sinh hoạt, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại từ các thảm họa thiên tai liên quan đến nước. Cần thống nhất quan điểm coi trọng cả vấn đề nguồn nước nội sinh và nguồn nước từ nước ngoài để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Chú ý đến vấn đề sử dụng các nguồn nước mặn, nguồn nước ngầm và liên quan đến vấn đề tái sử dụng nước.
Về các vấn đề có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị phải đảm bảo được hệ sinh thái nước, bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, đảm bảo mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nguồn nước một cách công bằng với chi phí hợp lý. Đồng thời lưu ý các vấn đề liên quan đến tổng hợp nguồn nước, vấn đề kinh tế nước, xã hội hóa đầu tư. Bởi trong Đề án mới chủ yếu đề cập đến vấn đề đầu tư từ ngân sách nhà nước, chưa phân định rõ vấn đề đầu tư từ ngân sách địa phương thế nào cho phù hợp. Vấn đề xã hội hóa mới dừng lại ở một số lĩnh vực, chưa đề cập đến các hình thức đầu tư dưới dạng xã hội hóa như PPP và các hình thức khác để thu hút các nhà đầu tư không chỉ ở các vấn đề liên quan đến nước mà còn là vấn đề cung cấp, xử lý nước sạch, thủy lợi và đầu tư vào các nguồn nước.
Về Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết mới chỉ khái quát những nội dung quan trọng, đề cập tới quan điểm, mục tiêu chung, một số mục tiêu cụ thể, các mục tiêu cụ thể cần có những chỉ tiêu cơ bản, có thể định lượng được, đảm bảo tính khả thi các nguồn lực có thể thực hiện. Nghị quyết cũng cần nêu các giải pháp chủ yếu giao nhiệm vụ cụ thể theo đúng thẩm quyền Chính phủ cho các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát. Nghị quyết có thể đề cập đến như tên gọi hiện nay, phạm vi, đối tượng nhưng cũng cần cân nhắc lại, nghiên cứu liên quan đến an toàn hồ đập thì có thể tổng hợp vào mục tiêu chung và có ý kiến của Quốc hội.
Về Đề án, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng và phê duyệt Đề án. Đề án phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, lưu ý 6 hạn chế, thách thức mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đề cập trong Báo cáo thẩm tra để phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp khắc phục phù hợp. Dự báo nguồn lực có thể bố trí được của từng giai đoạn để cân đối nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Chính phủ đề hoàn chỉnh Đề án, Dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=58838