Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo phát triển thành phố Đà Nẵng
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng.
Ngày 24-4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết.
Qua đó, giúp thành phố Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước…
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh một số quan điểm và nguyên tắc trong việc ban hành Nghị quyết về phát triển Thành phố. Cụ thể, chỉ ban hành chính sách thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong một giai đoạn nhất định để có thời gian tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của chính sách, bảo đảm phù hợp, thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù của một số thành phố lớn do Quốc hội quyết định.
Đồng thời, không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định….
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách tán thành cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhưng việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng.
Vì, hiện nay tiềm năng của Đà Nẵng chưa được khai thác hết do hạn chế của một số cơ chế, chính sách, các thách thức về công tác quy hoạch đô thị, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu tính đồng bộ kết nối, mô hình tổ chức chính quyền địa phương…
Đồng thời, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 20-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội để phát triển thành phố Đà Nẵng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và cho rằng tên gọi như Dự thảo là chưa phù hợp, cần đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng”.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thay đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết và đề nghị Chính phủ đánh giá, bổ sung thêm nội dung về những thuận lợi, khó khăn về quốc phòng, an ninh, cũng như trật tự an toàn xã hội khi triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nội dung Tờ trình, đặc biệt là các vấn đề liên quan tên gọi, đất đai, việc bổ sung thu nhập cho cán bộ, quy hoạch và việc thí điểm mô hình chính quyền địa phương… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tiếp tại phiên họp tiếp theo.