ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)
Sáng 12/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Giá (sửa đổi). Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần hai trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp.
Trước đó, trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 5, chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chính lý số 480/BC-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật. Các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến góp ý cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nữa yếu tố thị trường tại Luật cũng như làm rõ và thể hiện yếu tố cung cầu trong các khái niệm về “giá thị trường”, “yếu tố hình thành giá” và đề nghị cần thể hiện việc định giá của Nhà nước phải dựa trên quy luật cung cầu của thị trường, nhu cầu của thị trường.
Một số ý kiến đề nghị không nên đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” và mặt hàng “thịt lợn”. Có ý kiến đề nghị Nhà nước phải có nguồn lực (nguồn vốn ngân sách hoặc hàng hóa dự trữ) để điều tiết giá khi cần thiết.
Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề được một số đai biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như dự thảo, Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích Nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn. Có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.
Có ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa bởi theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản. Thực tế, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, điều tiết giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Một số ý kiến đại biểu quan tâm về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá, giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá. Có ý kiến đề nghị làm rõ nội dung “thẩm định giá” hay “thẩm định giá trị”.
Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường và ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi).
Qua thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ đánh giá cao quá trình nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát lại tổng thể toàn bộ các quy định trong dự thảo Luật, nhất là vấn đề về áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp, việc bãi bỏ các quy định ở các luật có liên quan để bảo đảm chính xác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách xây dựng báo cáo, tiếp thu, giải trình về dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó cần có giải trình thuyết phục với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; lưu ý đến các nội dung như định nghĩa về giá; rà soát các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá; về thẩm định giá, công ty thẩm định giá, nghề thẩm định giá, Hội đồng thẩm định giá. Nhấn mạnh, những gì đã chín, đã đủ rõ, cấp bách, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ và đồng thuận cao thì quy định, nếu chưa đạt được yêu cầu đó thì phải cân nhắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp rà soát kỹ lưỡng, đẩy nhanh tiến độ để chỉnh lý dự thảo Luật càng nhanh càng tốt./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76949