ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Chiều 14/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Theo báo cáo, ngày 24/5/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đã có 17 lượt ĐBQH phát biểu. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 7 Chương, 56 điều.

Về ý kiến đề nghị quy định đối tượng dễ bị tổn thương đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, khoản 4 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 quy định đối tượng dễ bị tổn thương đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; tuy nhiên, một số luật ban hành sau Luật Phòng chống thiên tai đều có các quy định chính sách ưu tiên cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng có lợi cho đối tượng này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho quy định đối tượng dễ bị tổn thương trong Luật Phòng thủ dân sự đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; đồng thời cho sửa quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 đối với đối tượng này từ dưới 12 tháng lên dưới 36 tháng tại Điều 54 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Về áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật có liên quan, có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 2 để tránh khoảng trống pháp luật khi xảy ra sự cố mà chưa đến mức ban bố cấp độ phòng thủ dân sự. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “không trái với nguyên tắc của Luật này” và bổ sung cụm từ “trong trường hợp chưa ban bố cấp độ phòng thủ dân sự” vào cuối khoản 2 Điều này, nhằm phân định rõ trường hợp áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và trường hợp áp dụng pháp luật có liên quan và chỉnh lý như dự thảo Luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, có ý kiến đề nghị làm rõ về tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh so với sự cố, thảm họa ở các cấp độ phòng thủ dân sự để quy định cho chặt chẽ, đồng bộ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh đã được quy định trong Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và Luật Quốc phòng. Do đó, việc xác định tính chất, mức độ của các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Luật Phòng thủ dân sự quy định các biện pháp áp dụng xuyên suốt trong các trạng thái của xã hội, trong thời bình, tình trạng khẩn cấp và trong tình trạng chiến tranh nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường ngày 24/5/2023 về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, căn cứ quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án về Quỹ phòng thủ dân sự, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và gửi Phiếu xin ý kiến ĐBQH. Theo đó, có 68,36% ĐBQH tham gia ý kiến đồng ý với phương án thành lập Quỹ phòng thủ dân sự. Do đó, Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chọn Phương án thành lập Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Luật để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an dự phiên họp.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an dự phiên họp.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến khác của các vị ĐBQH; rà soát và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý, làm rõ hơn một số quy định tại nhiều điều, khoản khác của dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp về thể thức văn bản, quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất ngay trong dự thảo Luật, với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan đều thống nhất quan điểm và nội dung về một số vấn đề cơ bản của dự thảo Luật liên quan đến đường lối, chủ trương chính sách mới, quan trọng của Đảng, trong đó có việc nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự phiên họp đã tập trung thảo luận về áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật có liên quan; về chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến phòng thủ dân sự…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, có báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, tránh chồng chèo giữa các luật hiện hành.

Về những nội dung cụ thể, liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với phương án của các ĐBQH đã lựa chọn, đề nghị chọn 1 phương án để trình Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với những kiến nghị của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng thời đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo rà soát lại về kỹ thuật văn bản để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.

Đại diện các Bộ, ngành tham dự phiên họp.

Đại diện các Bộ, ngành tham dự phiên họp.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77014