Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát việc thực hiện các Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại huyện Lương Sơn
Ngày 12/5, đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Lương Sơn về thực hiện các Nghị quyết (NQ) của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (SXĐVHC) cấp huyện, cấp xã năm 2019 – 2021. Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ, Huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn.
Đoàn công tác khảo sát tình hình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính tại xã Liên Sơn (Lương Sơn).
Thực hiện NQ 830 của UBTVQH về SXĐVHC cấp huyện, cấp xã, huyện Lương Sơn đã xây dựng 6 phương án. Cụ thể: Điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số của 3 xóm xã Liên Sơn vào xã Cư Yên. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Thanh Lập, Tiến Sơn, Trung Sơn vào xã Liên Sơn. Thành lập xã Cao Sơn trên cơ sở nhâp toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Cao Răm, xã Hợp Hòa và xã Trường Sơn. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Hợp Châu, Tân Thành vào xã Cao Dương. Thành lập xã Thanh Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Hợp Thanh và xã Long Sơn. Thành lập xã Thanh Cao trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Cao Thắng, Thanh Lương. Như vậy, sau khi sáp nhập, huyện Lương Sơn có 15/20 xã, thị trấn thực hiện sáp nhập, chiếm 71,4% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trung bình sáp nhập 2,5 xã cũ thành 1 xã mới. Có 1 đơn vị xã mới được sáp nhập từ 4 xã, có 2 đơn vị xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 3 xã cũ, có 2 xã mới, mỗi xã được sáp nhập từ 2 xã cũ và có 1 xã điều chỉnh diện tích tự nhiên và quy mô dân số từ một phần xã giáp ranh.
Kiến nghị tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn cho biết: Hiện còn 55 cán bộ, công chức (CBCC) dôi dư sau sáp nhập. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giải quyết CBCC dôi dư sau sáp nhập. Tăng số lượng CBCC cấp xã đối với những xã mới sáp nhập để giải quyết việc dôi dư, CBCC vừa đảm bảo thực hiện công việc tăng lên do địa bàn mở rộng, xem xét tăng phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách nhằm đảm bảo thu nhập. Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các vùng đặc thù, nhất là việc hỗ trợ BHYT đối với người đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025 để hỗ trợ người dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ y tế. Tiếp tục nghiên cứu ban hành NQ chính hỗ trợ thêm cho CBCC nghỉ việc do dôi dư.
Thảo luận tại hội nghị, thành viên đoàn khảo sát đề nghị UBND huyện Lương Sơn cung cấp làm rõ thêm những tác động, ảnh hưởng của việc SXĐVHC đối với người dân, nhất là ở những địa bàn sáp nhập nhiều xã vào 1 xã; hoạt động của các trạm y tế, trường học tại các xã sáp nhập; phương án xử lý các trụ sở cơ quan sau sáp nhập; việc sáp nhập có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển đô thị của huyện...
Phát biểu tại hội nghị khảo sát, đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao những giải pháp của huyện Lương Sơn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 830 của UBTVQH. Qua thực tế cho thấy, huyện đã triển khai Nghị quyết bắt đầu từ cơ sở, đạt được sự đồng thuận cao từ cơ sở, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình thực hiện triển khai nghị quyết. Huyện đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đoàn công tác. Đối với các kiến nghị của huyện, sẽ được đoàn ghi nhận, báo cáo lên Quốc hội, các cơ quan hữu quan để xem xét giải quyết.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn đã khảo sát tình hình thực tế tại xã Liên Sơn (Lương Sơn).