Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc về công tác sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh
Chiều 13/5, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Thực hiện Nghị quyết số 830 của UBTVQH, tỉnh đã thực hiện sắp xếp huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình; sắp xếp 106 ĐVHC cấp xã để hình thành 47 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, tỉnh giảm 1 ĐVHC cấp huyện, 58 ĐVHC cấp xã, còn 10 ĐVHC cấp huyện và 151 ĐVHC cấp xã. Tỉnh đã thực hiện sắp xếp 3.132 cán bộ, công chức (CB, CC) sau sáp nhập, còn 305 công chức cấp xã dôi dư cần tiếp tục sắp xếp.
Nhằm sớm ổn định tổ chức, đảm bảo việc thực hiện chính sách phù hợp, đúng quy định cho CB, CC, người lao động dôi dư sau sắp xếp, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành 3 nghị quyết về chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh; các sở, ngành liên quan kịp thời ban hành các hướng dẫn để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sắp xếp CB, CC, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Việc xử lý tài sản công sau khi sáp nhập các ĐVHC được thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế tối đa tình trạng tài sản không sử dụng để hư hỏng, xuống cấp, làm thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách ưu đãi đặc thù áp dụng với vùng KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đồng bào dân tộc. Cụ thể, các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, ngày 8/10/2019 không được thụ hưởng các chế độ phụ cấp vùng, phụ cấp lâu năm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu sau khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội áp dụng cho xã, thôn ĐNKK hết hiệu lực khi có quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều hộ, đối tượng khó khăn...
Tỉnh kiến nghị, trước khi ban hành chủ trương sắp xếp các ĐVHC cần kịp thời ban hành quy định sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC; quy định phân loại đô thị đảm bảo tính ổn định, lâu dài, phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của xã hội hiện nay. Đối với tỉnh có yếu tố đặc thù, tỷ lệ dân tộc thiểu số trên 50% thì không tính đến tiêu chuẩn diện tích tự nhiên. Đối với các tỉnh đã sắp xếp ĐVHC cấp xã giảm trên 25% so với trước khi sắp xếp thì không bắt buộc thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030. Đối với những ĐVHC đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn thì không thực hiện sắp xếp để đảm bảo ổn định tổ chức bộ máy. Khi sắp xếp các ĐVHC cần có lộ trình cụ thể để thực hiện, ưu tiên sắp xếp các ĐVHC liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị, khu vực có điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, hình thành các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm. Cần ban hành quy định cụ thể số lượng biên chế công chức, viên chức đối với cấp tỉnh, cấp huyện để làm cơ sở xác định số lượng dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC….
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã trên địa bàn đã đáp ứng được chủ trương, quan điểm, chỉ đạo và mục tiêu đề ra. Mục tiêu cao nhất của tỉnh là làm sao hệ thống chính quyền phục vụ tốt nhất cho người dân. Đồng chí cũng nêu một số khó khăn hiện nay là sắp xếp số cán bộ dôi dư, vì vậy, đề nghị các cấp có thẩm quyền có thể có cơ chế kéo dài thêm lộ trình sắp xếp cán bộ dôi dư, nghiên cứu tăng thêm số lượng biên chế đối với những xã sáp nhập ĐVHC, bên cạnh đó là những vướng mắc trong xử lý trụ sở làm việc sau sáp nhập, đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn thêm.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp ĐVHC. Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ báo cáo Quốc hội, các bộ, ngành nghiên cứu giải quyết trên cơ sở mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi của CB, CC và ổn định đời sống Nhân dân. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh cần tăng cường CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh xã hội của người dân tại các đơn vị sau sáp nhập…