Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số chức danh bộ trưởng, tổng kiểm toán
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí bộ trưởng, trưởng ngành
Sáng nay, 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 16 (từ ngày 10 đến 12-10).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH.
“Về nhân sự để trình kỳ họp thứ 4, UBTVQH sẽ nghe và cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí bộ trưởng, trưởng ngành trong bộ máy Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 6), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, đến nay, với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, còn 2 chức danh chưa được kiện toàn do có sự thay đổi nhân sự đầu nhiệm kỳ. Đó là Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Lý do của việc thay đổi nhân sự là do ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị bắt vào tháng 6-2022, do có nhiều sai phạm liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Sau đó, bà Đào Hồng Lan (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh), được Bộ Chính trị phân công về Bộ Y tế và được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cũng được phân công về giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó được HĐND TP Hà Nội bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay ông Chu Ngọc Anh.
Còn ông Ngô Văn Tuấn (Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình) đã được điều động về giữ chức Phó Tổng phụ trách Kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có chủ trương đồng ý làm quy trình giới thiệu ông Ngô Văn Tuấn để Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 4.
Cũng tại phiên họp 16, UBTVQH sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam và một số nhân sự cụ thể.
Trước đó, trong phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết xem xét tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào 20-10-2022.
Hiện nay, chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải do ông Nguyễn Văn Thể (sinh năm 1966), Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức vụ Bộ trưởng từ tháng 10-2017 đến nay.
Đối với Bộ Y tế, bà Đào Hồng Lan (sinh năm 1971), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, được Thủ tướng Chính phủ giao là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Còn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, hiện ông Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1971), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Kiểm toán, đang được giao phụ trách Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đề nghị kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 16, UBTVQH sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là chủ trương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất. Lần này, ngoài khu vực kinh tế tư nhân, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương với khối doanh nghiệp Nhà nước.
UBTVQH cũng cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội quy định những giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54).
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Hiện Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp.
Do vậy, tương tự Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023. Trong thời gian đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54 và khi đó nghị quyết này hết hiệu lực.
"Nhanh chậm thế nào tùy thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của TP HCM và các cơ quan của Chính phủ. Đây là xử lý tình huống. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì sẽ đánh giá tổng kết và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới. Nhưng do Chính phủ chuẩn bị chưa kịp nên trình ra xin UBTVQH cho ý kiến"- ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nếu nội dung này được chấp nhận thì UBTVQH cho ý kiến nên xử lý theo hình thức pháp lý nào, nên ban hành nghị quyết riêng hay có một phần trong nghị quyết chung của Quốc hội đối với nội dung này. Trong đó, đánh giá tổng kết, kéo dài thời gian có hiệu lực của nghị quyết và giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế mới cho TP HCM.
Đáng chú ý, phiên họp của UBTVQH cũng cho ý kiến về việc tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ông Vương Đình Huệ đề nghị UBTVQH cần cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền trong vấn đề này; căn cứ vào Luật Đối tác công tư và hợp đồng giữa một bên là Chính phủ, một bên là các nhà đầu tư.
"Giờ giải quyết vướng mắc thì phải căn cứ vào hợp đồng, quyền hạn của Chính phủ đến đâu, UBTVQH đến đâu và Quốc hội có thẩm quyền này không? Thẩm quyền này thì giải quyết như thế nào? Cái này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cho ý kiến kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế"- ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng về nguyên lý, trước hết phải xem xét hợp đồng các bên thực hiện thế nào. Vướng mắc này do bản thân phía đại diện Nhà nước, doanh nghiệp hay trách nhiệm của nhà đầu tư ra sao. Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp lý không, vì xử lý với những dự án này còn những dự án khác nữa? Còn nếu có chủ trương dùng ngân sách các cấp xử lý cũng không có vốn để bố trí ngay.
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ khẳng định tinh thần chủ động tháo gỡ tồn tại, vướng mắc nhưng phải bàn thảo kỹ lưỡng để đạt lý, thấu tình vì trước hết, khi trình ra Quốc hội phải đúng luật.