Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Nghị quyết phát triển Đà Nẵng
Sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 44 với việc thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng.
Không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Nghị quyết phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, để phát triển thành phố, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019, Chính phủ đã có Nghị định số 144/NĐ-CP năm 2016.
Bộ Chính trị xác định mục tiêu “…xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên…”.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết để thành phố Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội miền Trung-Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đã Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.
Cân nhắc điều chỉnh tên gọi và phạm vi của Nghị quyết
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách thành phố nhấn mạnh: Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục- đào tạo, khoa học-công nghệ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây nguyên và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng của thành phố chưa được khai thác hết do hạn chế của một số cơ chế, chính sách, các thách thức về công tác quy hoạch đô thị, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu tính đồng bộ kết nối, mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù cho thành phố, có thể tác động, thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp… nên cần phải thận trọng, có đánh giá, tổng kết trước khi ban hành chính sách dài hạn. Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ và rút kinh nghiệm về sự phù hợp của các cơ chế đặc thù đã được ban hành của một số địa phương trên cả nước (TPHCM sẽ tổng kết trong năm 2022, TP. Hà Nội sẽ tổng kết trong năm 2023), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị chỉ ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù và thời gian thực hiện là 05 năm, bắt đầu tư năm 2021.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này, vì việc ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù đồng nghĩa với việc ban hành luật riêng cho thành phố, điều này trái với nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước với một hệ thống pháp luật thống nhất. Vì vậy, cần phải đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung các điều, khoản quy định về chính quyền đô thị trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để khai thác tiềm năng của một số địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhưng không phá vỡ sự thống nhất cấu trúc quyền lực trong tổ chức nhà nước của nước ta.
Cần thiết trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý một số quy định về chính sách đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng bởi có một số quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội như thuế khóa, một số thẩm quyền khác thì của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, cân nhắc điều chỉnh một số vấn đề về tên gọi của Nghị quyết, phạm vi, thẩm quyền và thời gian thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm phát triển thành phố Đà Nẵng nhưng cần điều chỉnh lại tên Nghị quyết và phạm vi điều chỉnh.
Tán thành với đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng bởi đây là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng, trong đó có nội dung không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường với thời gian thí điểm là 5 năm và thông qua tại một kỳ họp của Quốc hội.
Nhất trí với việc ban hành Nghị quyết để tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, tạo cơ chế vượt lên cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, đề nghị ban Nghị quyết với 2 nội dung là cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách và tổ chức chính quyền đô thị. “So với Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết này còn chưa bao quát bằng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là nhiệm vụ mà Đảng đoàn Quốc hội thực hiện theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội tán thành ý kiến cần sửa lại tên gọi của Nghị quyết và một số vấn đề như cơ chế tài chính-ngân sách, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 144/NĐ-CP năm 2016 về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ cần thiết đưa Nghị quyết ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.