Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Chiều 14.8, tiếp tục Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông'.
Tham dự Phiên họp về phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong các đột phá chiến lược để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó lấy đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 và Nghị quyết số 51 ngày 21.11.2017 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Để xem xét, đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện sau hơn 10 năm thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết nêu trên, ngày 4.8.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23 về chương trình giám sát năm 2023 trong đó có giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Nhấn mạnh, chuyên đề giám sát đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các cấp, các ngành và cử tri, Nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ, trong quá trình thực hiện, Đoàn giám sát đã nhận được sự quan tâm sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã thường xuyên chỉ đạo, cho ý kiến ngay từ ban đầu, 2 lần trực tiếp chủ trì làm việc, nêu vấn đề, yêu cầu những vấn đề trọng tâm cần thực hiện; các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý nhiều vấn đề xác đáng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu tại phiên họp thứ 24. Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch, triển khai các hoạt động đúng quy định, tiến độ, yêu cầu đã đề ra. Trên cơ sở kế thừa kết quả của các chuyên đề giám sát trước đây, Đoàn có một số đổi mới trong phương pháp tiếp cận, cách thức tổ chức, bảo đảm tính khoa học, khách quan, tổng hợp, xây dựng bộ tài liệu kỹ lưỡng.
Bên cạnh việc tổng hợp, nghiên cứu báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học và đánh giá dư luận xã hội, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của cử tri, Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn giám sát cũng nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tại các cuộc làm việc; ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh tại các cuộc trao đổi, tìm hiểu, tiếp xúc. Dự thảo báo cáo kết quả giám sát đã tổ chức xin ý kiến nhiều lần, với sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ban, ngành có liên quan. Đoàn giám sát đã tiếp thu, hoàn thiện và chính thức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên giám sát.