Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ngày 20/3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khóa XV) đã tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn.
Phiên chất vấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cả nước, đồng thời được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế như: vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định; tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Hơn 10 năm qua với khối lượng công việc phải thực hiện tăng lên gấp đôi, yêu cầu pháp luật ngày càng cao, chế độ chính sách, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhưng với phương châm đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, thực chất, hiệu quả, liêm chính vượt khó, chuyên nghiệp, toàn ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra….
Thời gian chất vấn diễn ra trong 1 ngày, nội dung chất vấn cả 2 lĩnh vực đều có phạm vi rộng, vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp, hữu hiệu và khả thi mỗi vấn đề chất vấn.
Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án, tập trung vào 4 nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến…
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trả lời tập trung vào các nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)/Nhân Dân
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao phần trả lời chất vấn và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các Bộ trưởng ngành tại phiên chất vấn. Đồng thời khẳng định: Vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng ngành hữu quan quan tâm triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, trong công tác xét xử: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định. Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo. Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án; tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến…
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố.…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án và viện kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, liêm chính để thực sự chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; đề xuất chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia về công tác tại tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý để nghị quyết của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đi vào cuộc sống đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chính phủ, các vị Bộ trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, trước nhân dân và cử tri cả nước.