ỦY BAN TƯ PHÁP KHẢO SÁT VIỆC CHẤP HÀNH LUẬT TỔ CHỨC TAND 2014 TẠI TAND TP. ĐÀ NẴNG VÀ TAQS QUÂN KHU 5
Sáng 18/4, Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV đã có buổi làm việc với TAND Tp. Đà Nẵng và TAQS Quân khu 5 về 'Khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức TAND 2014'. Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn.
Cùng dự, làm việc với đoàn có đại diện Ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo TAND hai cấp TP. Đà Nẵng và các Sở, ban, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND TP. Đà Nẵng đã báo cáo việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/9/2022 của TAND hai cấp TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã giải quyết, xét xử 41.986 vụ án, vụ việc trong tổng số 42.577 vụ án, vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 98,6%%); bình quân mỗi năm, giải quyết 8.398 vụ án, vụ việc các loại.
Số lượng các vụ án, vụ việc TAND hai cấp TP. Đà Nẵng giải quyết thời gian qua tăng bình quân 03%/năm với tính chất ngày càng phức tạp, nhưng chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp nhất, dưới 1,5%, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Riêng TAND TP. Đà Nẵng trong thời gian qua, tổng số án hình sự đã xét xử 1627/1629 vụ với 2873/2893 bị cáo.
Việc xét xử các vụ án hình sự luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa trên tinh thần cải cách tư pháp được mở rộng, chất lượng được nâng lên, không có trường hợp nào kết án oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
Các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người phạm tội đảm bảo việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giải quyết, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở kết quả mở rộng thí điểm, đến nay Luật Hòa giải, đối thoại năm 2020 đã được thi hành và TATD hai cấp TP. Đà Nẵng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Đối với công tác xét xử trực tuyến, thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội, trong năm 2022, TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã tổ chức xét xử nhiều vụ án hình sự và hành chính.
Chánh án TAND TP. Đà Nẵng cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Cụ thể, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc về đất đai, sở hữu trí tuệ, phá sản đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù nhưng Thẩm phán được phân công giải quyết chưa được đầu tư, đào tạo chuyên ngành nên án bị hủy sửa chủ yếu tập trung ở các loại án về các lĩnh vực này (án hành chính, án tranh chấp về đất đai...).
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đã nghe Đại tá Lê Việt Dũng - Chánh án TAQS Quân khu 5 báo cáo kết quả chấp hành Luật Tổ chức TAND 2014. Trong 5 năm qua, TAQS Quân khu 5 đã tổ chức thụ lý, nghiên cứu, giải quyết 46/122 bị can, bị cáo. Án sơ thẩm và án phúc thẩm giải quyết 100%.
Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên, 100% vụ án đã xét xử đảm bảo đúng thẩm quyền, kịp thời, nghiêm minh, tuân thủ đúng trình tự thủ tục tố tụng. Song song với nhiệm vụ xét xử, TAQS Quân khu 5 còn tập trung triển khai công tác THA hình sự, giải quyết đơn thư.
Theo Chánh án TAQS Quân khu 5, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 về thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao thể hiện ở chỗ: Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức TAND quy định “Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”. Tuy nhiên, nội hàm quyền tư pháp, đặc trưng quyền tư pháp hiện nay Luật Tổ chức TAND cũng như các văn bản có liên quan chưa quy định, dẫn đến việc cụ thể hóa quyền tư pháp trên thực tế chưa rõ ràng, chưa thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.
Qua báo cáo tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và đại diện TAND hai cấp TP. Đà Nẵng, TAQS Quân khu 5 đã cùng trao đổi một số vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn trong công tác chấp hành Luật Tổ chức TAND 2014 như: Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; mô hình tổ chức hệ thống TAND; chế độ, chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án.
Quy định nhiệm kỳ Thẩm phán; chế độ chính sách, tiền lương và cơ chế đảm bảo an toàn đối với Thẩm phán; chế độ, chính sách đối với Hội thẩm…; một số vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; kinh phí hoạt động; điều kiện CNTT …
Kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan. Các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc, qua báo cáo cho thấy công tác xét xử, giải quyết án của TAND hai cấp TP. Đà Nẵng và TAQS Quân Khu 5 rất tốt, tỷ lệ đạt cao, vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Án hủy, sửa dưới mức quy định của Quốc hội.
Đối với những khó khăn, vướng mắc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 mà TAND hai cấp TP. Đà Nẵng và TAQS Quân Khu 5 nêu ra, đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75016