Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với tỉnh Khánh Hòa về chi ngân sách địa phương

Sáng 16/12, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội do ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về tình hình chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề đã được địa phương nêu ra nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế gây khó cho việc chi ngân sách địa phương cho các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo tồn văn hóa của tỉnh Khánh Hòa.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với UBND tỉnh Khánh Hòa

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với UBND tỉnh Khánh Hòa

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ khi địa phương tự chủ về ngân sách năm 2009 đến nay, việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo dạy nghề, văn hóa thông tin luôn được chú trọng. Trong giai đoạn 2021-2023 tổng vốn đầu tư cho các lĩnh vực này là hơn 9000 tỷ đồng, trong đó chi cho sự nghiêp giáo dục đào tạo là hơn 8.200 tỷ đồng, chiếm 23% ngân sách địa phương, giáo dục nghề nghiệp là 22 tỷ đồng, chủ yếu chi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững. Đối với lĩnh vực văn hóa, tổng số tiền đã chi cho nhiều dự án xây dựng và phát triển văn hóa, tu bổ dich tích,..là hơn 413 tỷ đồng. Ngoài ra ngân sách địa phương hàng năm còn chi cho các hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số chiếm từ 1-1,5% tổng chi ngân sách.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan ban ngành của tỉnh Khánh Hòa cho biết mặc dù địa phương đã tự chủ tài chính tuy nhiên việc duyệt chi, hỗ trợ cho các hoạt động này vẫn vướng nhiều quy định của pháp luật hoặc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành khiến thời gian giải ngân bị kéo dài. Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết kể từ năm 2010 đến nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa có thông tư hướng dẫn quy định mức hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ văn hóa thông tin cơ sở làm cho lực lượng tuyên truyền văn hóa nòng cốt tại cơ sở này vẫn chưa được nhận trợ cấp tương xứng với công sức họ đóng góp cho sự nghiệp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương.

Ông Trần Việt Trung, Trưởng ban Văn hóa xã hội - HDND tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Ông Trần Việt Trung, Trưởng ban Văn hóa xã hội - HDND tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Cùng vướng mắc về triển khai luật đầu tư công, ông Trần Việt Trung, Trưởng ban Văn hóa xã hội thuộc HDND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Trung ương cần có văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh và các giáo viên tại các trường học thuộc diện được ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị đối với một số chế độ, chính sách về chi ngân sách cho ngành văn hóa được xây dựng đã nhiều năm, hiện đã không còn phù hợp với biến động giá cả thị trường như Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cần được nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhu cầu thực tế hiện nay, đảm bảo cho các nghệ sĩ có thể yên tâm công tác và sống được với nghề,…

Tại hội nghị, các thành viên Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc chi ngân sách của tỉnh Khánh Hòa cho các lĩnh vực văn hóa giáo dục và đề nghị địa phương cần có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, đơn cử như: Định hướng rõ chiến lược trong đầu tư cho giáo dục đào tạo thì cần xác định ưu tiên cho đối tượng, lĩnh vực nào; Nguyên tắc phân bổ theo đầu người thì địa phương gặp vướng mắc gì với đặc thù của tỉnh là đất rộng người thưa, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, đời sống người dân còn khó khăn và chênh lệch lớn; Việc thu hút đầu tư, xã hội hóa chủ yếu vẫn ở bậc mầm non, còn các cấp phổ thông khác còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào nguồn chi ngân sách, đây là hướng phát triển không bền vững, vì vậy chính quyền địa phương cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp kêu gọi, thúc đẩy xã hội hóa ở đa dạng các cấp bậc khác; Tình trạng một số nơi chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà không xây dựng thiết chế và định hướng phát triển văn hóa cụ thể của địa phương đó;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

Cuối buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thay mặt đoàn khảo sát ghi nhận những vướng mắc của tỉnh Khánh Hòa. Những nội dung liên quan tới hệ thống Luật hoặc thiếu thông tư hướng dẫn thi hành trong việc thu chi ngân sách địa phương, việc đấu thầu xây dựng, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho ngành giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ duy tu sữa chữa bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể,… sẽ kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi bổ sung để địa phương dễ dàng áp dụng. Đồng thời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị dù địa phương đã tự chủ tài chính nhưng vì nguồn lực có hạn nên trước mắt cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực trọng tâm về đào tạo dạy nghề, từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục, bảo tồn văn hóa tại vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Ngọc Duy – Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91780