Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Thừa Thiên Huế
Ngày 17.2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án, Chương trình quan trọng về phát triển giáo dục và đào tạo để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 05 xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…
Mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Toàn tỉnh hiện có 569 trường mầm non và phổ thông, 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp là 16.763 người, trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 90,9%. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được UBND tỉnh và các địa phương hết sức quan tâm. Nhiều dự án trường học quy mô ở các cấp được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được bố trí nguồn lực thực hiện trong giai đoạn đầu tư công 2022 - 2025. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều đạt kết quả cao hơn năm học trước.
Định hướng phát triển giáo dục của Thừa Thiên Huế là chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền.
Về văn hóa, những năm qua, sự nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng thực hiện hiệu quả. Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa phi vật thể đã được khai thác đưa vào phục vụ du khách. Hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế thu hút khách du lịch...
Tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng,sản phẩm văn hóa hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy những tiềm năng và giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế; đáng chú ý là hình thành hệ thống trục không gian văn hóa đường Lê Lợi phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực du lịch liên tục tăng trưởng trên mọi chỉ tiêu, từ lượng khách đến doanh thu. Năm 2022, du lịch Huế cũng từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, với tổng lượt khách du lịch đạt 2,05 triệu, trong đó có hơn 260.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng.
Các thành viên Đoàn khảo sát đều cho rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch; cũng là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo và du lịch. Vấn đề lớn nhất cũng là thách thức nhất đối với Thừa Thiên Huế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, là biến các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển, chuyển hóa thành các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Làm việc với Đại học Huế, một trong những cơ sở giáo dục đại học có truyền thống lịch sử (hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành) và đang hướng đến trở thành Đại học Quốc gia, Đoàn khảo sát mong muốn nhà trường tiếp tục duy trì sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; kết hợp với nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra những sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả.