Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

Chiều 30.9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về thực hiện kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022, xây dựng kế hoạch năm 2023 đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch; thông tin - truyền thông, thanh niên - trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30.6.2022, về cơ bản các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ dự toán chi thường xuyên theo các Nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Công tác phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 đối với các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao.

Dự toán ngân sách trung ương cùng với chi ngân sách địa phương, chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng, tài trợ, nguồn lực dành cho lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các Nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước...

Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp dự toán thu, chi năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 - 2025 để trình các cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi báo cáo tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi báo cáo tại cuộc làm việc

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đến ngày 31.7.2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của các cơ quan trong lĩnh vực do Ủy ban phụ trách đạt 14,94% kế hoạch, thuộc nhóm các cơ quan giải ngân thấp nhất cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước là 29,38%); ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 31.8.2022 đạt 20,39% kế hoạch (cả nước đạt 34,7%)...

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa coi trọng việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - thể thao - thông tin, giáo dục và đào tạo do lựa chọn thực hiện các dự án trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này làm cho số vốn và tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước bố trí cho các công trình thuộc lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn thấp, chưa đáp ứng định hướng đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ủy ban khi giám sát tại các địa phương cần quan tâm tới vấn đề trên, đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hơn cho các lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo tại cuộc làm việc

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá, các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Các báo cáo đã thể hiện được nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương; vốn chi sự nghiệp (ngân sách trung ương và địa phương) cho văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục - đào tạo; thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo; đánh giá được kết quả thực hiện năm 2022, đồng thời dự toán năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2023 - 2025.

Tuy nhiên, các báo cáo chưa thể hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022. Việc khắc phục, xử lý, thực hiện những đề xuất, kiến nghị của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ở những kỳ làm việc trước chưa được thể hiện trong báo cáo.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Thường trực Ủy ban cho rằng, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, cần tăng cường rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu tài chính, ngân sách, đầu tư các lĩnh vực ở trung ương và địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, góp phần tích cực phục vụ công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa phù hợp hơn để tăng cường huy động các nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo; xem xét các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các lĩnh vực Ủy ban theo dõi. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, báo cáo của hai Bộ đã cung cấp thông tin đầy đủ về đầu tư và tình hình thực hiện chi thường xuyên của các bộ, ngành, giúp Ủy ban hiểu hơn về các lĩnh vực mình theo dõi có vận hành đúng với tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ không, từ đó có ý kiến để các lĩnh vực hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan trong các lĩnh vực, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ủng hộ lĩnh vực văn hóa - xã hội nói chung, để khối này vận hành tốt hơn trong thời gian tới.

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/uy-ban-van-hoa-giao-duc-lam-viec-voi-bo-ke-hoach-va-dau-tu-bo-tai-chinh-i302015/