Ủy ban Văn hóa, Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm 2024
Năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ chủ trì thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa…
Sáng 26.1, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 - Gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc họp.
Kiến nghị nhiều nội dung có giá trị về lý luận và thực tiễn
Theo Báo cáo kết quả hoạt động nổi bật năm 2023, dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, năm 2023, Ủy ban, Thường trực Ủy ban tiếp tục giữ vững, phát huy đoàn kết nội bộ, tinh thần trách nhiệm, năng lực, sở trường của từng thành viên, chủ động, sáng tạo điều chỉnh linh hoạt kế hoạch hoạt động, áp dụng phương thức làm việc phù hợp để tổ chức triển khai và hoàn thành tốt khối lượng lớn các nhiệm vụ đề ra, đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, với phương châm chuẩn bị “từ sớm, từ xa” đề ra từ đầu nhiệm kỳ, công tác lập pháp của Ủy ban trong năm 2023 tiếp tục được thực hiện nề nếp, nghiêm túc, chất lượng với nhiều hình thức: Rà soát hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa, từ đó đề xuất các nội dung và dự kiến tiến độ sửa đổi, bổ sung các Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo và Luật Báo chí; đề xuất xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật mới như bổ sung Luật về nghệ thuật biểu diễn, Luật về hoạt động văn học vào định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2026 - 2031.
Về công tác giám sát, năm 2023 Ủy ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm là chủ trì tham mưu về nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Đây là chuyên đề giám sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Kết quả giám sát đã được dư luận, cử tri đánh giá cao; được lãnh đạo Quốc hội ghi nhận và cho rằng nhiều nội dung, giải pháp, kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết 29, ban hành Nghị quyết mới về giáo dục và đào tạo.
Sau giám sát, một số kiến nghị đã được khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc như Thủ tướng ra Công điện yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa, trong đó trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông…
Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và chấn hưng văn hóa
Về dự kiến nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban sẽ chủ trì/đồng chủ trì triển khai 2 nhiệm vụ được giao trong Đề án Tổ chức 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam gồm: Biên soạn, xuất bản sách Lịch sử Quốc hội tập V (giai đoạn 2011 - 2026); Tổ chức Thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Tham mưu xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Về công tác lập pháp, Ủy ban chủ trì thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Nhà giáo; Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố; thẩm tra chủ trương xây dựng Nghị định về văn học; đề nghị bổ sung Luật Báo chí (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Về công tác giám sát, Ủy ban sẽ tổ chức giám sát tổng hợp việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực phụ trách tại 2 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là Hải Phòng và Thái Bình; giám sát 2 chuyên đề: (i) Tình hình triển khai thi hành Luật Điện ảnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Quảng cáo, Luật Thanh niên, (ii) Giám sát đầu tư của ngân sách địa phương đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách…
Ngoài ra, Ủy ban tổ chức 2 hội thảo về “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” và “Thể chế, chính sách để phát triển thể thao thành tích cao - chuyên nghiệp”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban các thời kỳ đánh giá cao những hoạt động của Ủy ban; cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, hai ngành giáo dục và văn hóa có nhiều việc cần quan tâm nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban cần tập trung vào hai vấn đề quan trọng: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và chấn hưng văn hóa. Các lĩnh vực này cần có chiến lược dài hơi, có hành lang pháp lý phù hợp và giám sát việc tổ chức thực hiện.
Đón Xuân Giáp Thìn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chúc Tết Thường trực Ủy ban các thời kỳ. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Kế thừa và phát huy truyền thống, Ủy ban và Thường trực Ủy ban cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Năm 2024, Ủy ban sẽ chủ trì thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Xuất bản (sửa đổi)… cần huy động trí tuệ, sự giúp đỡ của Thường trực Ủy ban các thời kỳ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.