ỦY BAN XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PHÒNG CHỐNG MA TÚY VÀ MẠI DÂM TẠI LÂM ĐỒNG
Sáng 14/3, tiếp tục chương trình giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống ma túy và mại dâm.
ỦY BAN XÃ HỘI GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TẠI TỈNH AN GIANG
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy, đặc biệt là sau khi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn.
Hệ thống các biểu mẫu, văn bản, thống kê đã giúp lực lượng chức năng có cơ sở trong việc quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy một cách hiệu quả, thống nhất. Nổi bật là chất lượng công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giáo dục tại xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên, giảm thiểu tình trạng người nghiện ngoài xã hội, người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý chặt chẽ và có hướng răn đe, giáo dục phù hợp.
Trong thời gian qua, Công an tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ án lớn về ma túy, không để phức tạp, phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, các mặt công tác phòng ngừa được thực hiện đồng bộ góp phần kiềm chế sự gia tăng của người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV, đại diện Văn phòng UBND tỉnh thông tin, tính đến giữa tháng 2/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 2.570 người nghiện và sử dụng ma túy; trong đó, có hơn 1.800 người ngoài xã hội, hơn 300 người trong các trung tâm cai nghiện, gần 300 người trong nhà tạm giữ, trên 150 người trong trại giam và các cơ sở giáo dục, trại cải tạo.
Trong 2 năm 2021 – 2022, công an đã bắt giữ hơn 800 vụ, trên 1.300 đối tượng vi phạm các tội về ma túy; thu giữ 29,03 kg ma túy tổng hợp, 3,67 kg heroin; 71,18 kg cần sa; gần 2.000 cây cần sa. So với thời gian trước liền kề, số vụ bắt giữ tội phạm ma túy nhiều hơn 200 vụ.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy. Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp tốt chính quyền cơ sở triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 2.585 cơ sở lưu trú; 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 595 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; khoảng 400 người bán dâm; khoảng 800 nhân viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (massage, karaoke, bar), tập trung chủ yếu tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng, đa số là người ngoài tỉnh.
Tình hình mại dâm công cộng cơ bản được kiểm soát, chưa phát hiện mại dâm nam, mại dâm đồng giới, mại dâm tuổi vị thành niên, mại dâm có yếu tố nước ngoài. Nhìn chung, tình hình mại dâm ở Lâm Đồng không phức tạp so với các tỉnh, thành phố khác. Có 101/148 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, giảm 40% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn mại dâm; có trên 60% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đặt vấn đề về những thách thức, tệ nạn mới về ma túy, mại dâm có thể xuất hiện, đề nghị Công an tỉnh tăng cường biện pháp nghiệp vụ để chấn áp đấu tranh; đề nghị lưu ý loại ma túy mới, nhất là ma túy trà trộn xâm nhập học đường dưới dạng thuốc lá điện tử, nước uống…; đề nghị làm rõ vấn đề cơ chế tài chính phục vụ phòng chống ma túy, mại dâm, công tác phòng chống ma túy ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhất là trồng cây cần sa, cơ chế tự chủ ở các cơ sở cai nghiện ma túy…
Đại diện Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cùng một số đơn vị có liên quan đã trình bày thực trạng, những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng chống ma túy và mại dâm cũng như giải đáp một số vấn đề đoàn giám sát của Quốc hội đặt ra liên quan đến các nội dung này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phát biểu, trao đổi của đoàn giám sát; đồng thời, phân tích làm rõ tình hình, nhận định làm rõ hơn về công tác phòng chống ma túy, mại dâm. Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ đối tượng sau cai nghiện, đào tạo nghề, việc làm cho đối tượng sau cai nghiện.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong phòng chống ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy có nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, còn một số bất cập liên quan đến công tác này như biện pháp quản lý người cai nghiện còn tiềm ẩn phức tạp nhất định; Lâm Đồng đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế rất lớn, do đó, cần tăng cường các giải pháp nhằm giảm cung, cầu, tác hại của ma túy.
Những kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc về tài chính, hạ tầng, y tế…, đoàn sẽ tiếp thu, ghi nhận, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung, điều chỉnh.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73978