Uy lực bom lượn 3 tấn của Nga và tác động tới chiến trường Ukraine
Nga lần đầu tiên sử dụng bom lượn 3 tấn tại tỉnh Kharkiv (miền bắc Ukraine) hồi tháng 6 và vũ khí này có thể giúp thay đổi tình hình trên thực địa.
Đài RT ngày 30-6 dẫn một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Nga được cho quay cảnh quân Nga dội bom FAB-3000 nặng 3 tấn xuống một cứ điểm của quân Ukraine tại khu định cư New York (tỉnh Donetsk), hạ ít nhất 60 binh sĩ và phá hủy bốn phương tiện quân sự của quân Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa bình luận chưa bình luận về thông tin này.
Nga lần đầu dùng bom lượn 3 tấn tấn công Ukraine
Trước đó, theo trang Business Insider, hồi giữa tháng 6, máy bay Nga được cho là lần đầu tiên sử dụng bom lượn FAB-3000 M-54 tại tỉnh Kharkiv (miền bắc Ukraine).
Nặng 3,3 tấn, loại bom lượn mới này của Nga có thể gây ra sức công phá lớn khi tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự của Ukraine.
Các phương tiện truyền thông Ukraine đã đưa tin về việc Nga sử dụng bom lượn chống lại các điểm tập trung binh lính Ukraine tại tỉnh Kharkiv thuộc miền Đông Ukraine.
Với khả năng hủy diệt lớn như vậy, dù không đánh trúng mục tiêu cụ thể nhưng bom lượn FAB-3000 M-54 vẫn có thể gây ra thương vong vì bán kính phá hủy lớn. Trên thực tế, đây là loại bom lượn có thể được phóng ra ngoài phạm vi phòng không của Ukraine, khiến nó nguy hiểm hơn.
“Lần đầu tiên, lực lượng Nga đã sử dụng bom lượn mới FAB-3000 M-54 trang bị mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh thống nhất (UMPC) để tấn công các vị trí của Ukraine tại tỉnh Kharkiv, thể hiện năng lực mới của Nga với khả năng hủy diệt cao nếu lực lượng Nga tiếp tục có thể sử dụng những vũ khí như vậy mà không bị hạn chế” – Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW - Mỹ) đánh giá trong bản cập nhật hoạt động gần đây về xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, không quân Ukraine lưu ý rằng họ không thể đưa ra ước tính cuối cùng về chính xác loại đạn dược mà phía Nga sử dụng.
FAB-3000 M-54 là bom thông thường hay còn gọi là bom câm, có thể được chuyển đổi thành bom lượn nếu được bổ sung UMPC.
Hồi tháng 3, các quan chức Nga lần đầu tiên thông báo sản xuất hàng loạt bom lượn FAB-3000 M-54. Trước đó, quân đội Nga gặp khó khăn trong việc gắn loại bom nặng hơn 3 tấn này vào máy bay chiến thuật. Dẫu vậy, các kỹ thuật viên Nga dường như đã tìm ra giải pháp.
“Việc lực lượng Nga tìm ra cách phóng bom FAB-3000 là một bước tiến đáng kể, đồng thời sẽ tăng khả năng hủy diệt của các cuộc tấn công bằng bom lượn chống lại lực lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine” – Viện Nghiên cứu Chiến tranh đánh giá.
Khi xung đột tiếp diễn, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga ngày càng phụ thuộc vào bom lượn dẫn đường và không dẫn đường để tiêu diệt các mục tiêu Ukraine. Những loại đạn này được phóng đi từ khoảng cách xa và di chuyển hoặc lướt đến mục tiêu trong khi máy bay phóng chúng ở vị trí xa một cách an toàn.
“Lực lượng Nga tăng cường sử dụng bom lượn dẫn đường và không dẫn đường để đối phó Ukraine, đặc biệt tại tỉnh Kharkiv, gây ra hậu quả tàn khốc. Và nếu Nga có thể phóng loạt bom FAB-3000, nước này sẽ có thể gây thiệt hại lớn hơn cho các vị trí tiền tuyến Ukraine cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng” – Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Hiệu quả hoạt động của không quân Nga
Khi nói đến chiếm ưu thế trên không, dù có số lượng và chất lượng tốt hơn, nhưng máy bay Nga vẫn chưa thiết lập được quyền kiểm soát bầu trời. Các phi công Ukraine đã chống trả quyết liệt, cũng như có quá nhiều hệ thống phòng không thuộc mọi tầm bắn trên chiến trường.
Khi nói đến các cuộc tấn công chiến lược, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga làm tốt hơn một chút. Dựa vào sự kết hợp của đạn dược tầm xa và bom lượn, máy bay Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng và trung tâm đô thị của Ukraine.
Tuy nhiên, chất lượng đáng ngờ của những loại đạn dược này cùng với các hệ thống phòng không mạnh mẽ nhưng đang cạn kiệt của Ukraine đã khiến phần lớn các cuộc tấn công của Nga không tạo được tác động đáng kể đến tiến trình cuộc chiến như Moscow mong muốn.
Cuối cùng, khi nói đến yểm trợ hỏa lực mặt đất, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga làm tốt hơn nhưng hiệu quả thì vẫn chưa thể thay đổi chiến trường.
Sử dụng máy bay tấn công cánh cố định và cánh xoay, quân đội Nga có thể giành được ưu thế chiến thuật trong một số thời điểm và tại một số khu vực cụ thể của đường tiếp xúc. Nhưng ngoài việc gây thương vong cho lực lượng Ukraine thì không quân chiến thuật của Nga chưa tạo ra khác biệt.
Nga thả nhầm hàng chục quả bom lượn xuống lãnh thổ nước mình?
Theo "một tài liệu nội bộ" của Nga được tình báo Ukraine thu thập được và chuyển cho báo The Washington Post, ít nhất 38 quả bom lượn của Nga đã rơi xuống tỉnh Belgorod (tây nam nước Nga) – giáp biên với Ukraine - trong thời gian từ tháng 4-2023 đến tháng 4-2024. Nhưng hầu hết những quả bom không phát nổ.
Tài liệu cho biết ít nhất 4 quả bom lượn bị thả nhầm xuống TP Belgorod, 7 quả khác rơi xuống vùng ngoại ô xung quanh TP.
Phần lớn những quả bom này do người dân phát hiện và trong hầu hết trường hợp Bộ Quốc phòng Nga không rõ những quả bom này được thả khi nào, theo The Washington Post.
Tờ The Washington Post dẫn đánh giá của các chuyên gia rằng hệ thống dẫn đường trên bom lượn Nga bị lỗi có thể là nguyên nhân dẫn tới việc hàng chục quả bom bị thả nhầm xuống lãnh thổ Nga.
Nga chưa lên tiếng về thông tin này.
Bom lượn là loại đạn cũ, được trang bị hệ thống dẫn đường, cho phép chúng được phóng đi khoảng cách xa.
Tuy nhiên, một số quả bom lượn gặp sự cố, có thể là do hệ thống dẫn đường giá rẻ (còn gọi là bộ kit UMPK), theo nhà phân tích Ruslan Leviev – người thành lập tổ chức điều tra nguồn mở độc lập Conflict Intelligence Team (Nga).
“Chúng tôi cho rằng những vụ thả bom gặp sự cố này là do những bộ kit không đáng tin cậy gây ra” – ông Leviev nói.
Hồi tháng 6, kênh truyền thông đối lập Asta của Nga ước tính Nga đã thả nhầm tổng cộng 130 quả bom xuống lãnh thổ nước này trong 4 tháng qua.
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba nói Nga đã thả 700 quả bom lượn xuống Ukraine chỉ trong 6 ngày, từ ngày 18-3 đến ngày 24-3.
Ukraine hiện đang phát triển bom lượn của riêng nước này, đồng thời tiếp tục yêu cầu đồng minh phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không.
Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã nới lỏng các hạn chế về việc Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu Nga và đẩy lùi các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga trong và xung quanh tỉnh Kharkiv.