Uy lực 'đáng gờm' của tên lửa lớn nhất Triều Tiên vừa thử nghiệm

Tên lửa Hwasongpho-17 được Triều Tiên thử nghiệm ngày 24/3 được coi là tên lửa đạn đạo liên lục địa di động trên mặt đất lớn nhất thế giới.

Ngày 25/3, Triều Tiên đã xác nhận thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasongpho-17 lần đầu tiên vào ngày 24/3. Đây là loại vũ khí được cho là có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân tới bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ Mỹ.

Trước đó, giới chức Hàn Quốc và Mỹ nhận định các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng vào 27/2 và 5/3 bao gồm các phần trong hệ thống ICBM Hwasongpho-17, dường như nhằm chuẩn bị cho hoạt động thử tên lửa toàn phần vào 24/3.

Theo thông báo từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa Hwasongpho-17 bay xa 1.090km, đạt độ cao tối đa 6.248km và bắn chính xác vào mục tiêu sau thời gian bay 67,5 phút. Các số liệu do giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp cũng có thông số tương tự.

Hình ảnh từ vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 năm 2017 của Triều Tiên. Ảnh - KCNA

Hình ảnh từ vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 năm 2017 của Triều Tiên. Ảnh - KCNA

Tên lửa Hwasongpho-17 được cho là bay xa hơn và có thời gian bay lâu hơn tên lửa Hwasong-15 được thử nghiệm vào năm 2017 với thời gian bay là 53 phút, độ cao tối đa 4.475km và tầm xa 950km.

Theo hãng tin Reuters, tên lửa Hwasongpho-17 được gọi là “tên lửa quái vật” và là ICBM nhiên liệu lỏng di động trên mặt đất lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Đường kính tên lửa Hwasongpho-17 vào khoảng 2,4-2,5m. Tổng trọng lượng khi nạp đầy nhiên liệu là 80-110 tấn, theo dữ liệu từ 38 North - chương trình theo dõi hoạt động thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ.

Tên lửa Hwasongpho-17 lần đầu xuất hiện tại cuộc duyệt binh quân sự chưa có tiền lệ vào tháng 10/2020. Khi đó, các nhà phân tích nhận định tên lửa có kích thước lớn hơn đáng kể so với Hwasong-15.

Lần tiếp theo Hwasongpho-17 xuất hiện là tại triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng vào tháng 10/2021.

Dựa trên kích thước của Hwasongpho-17, các nhà phân tích dự đoán tên lửa được thiết kế nhằm mang nhiều đầu đạn hạt nhân và "mồi nhử" để đánh lạc hướng, nhằm dễ dàng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hoàng Anh (Theo Reuters)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uy-luc-dang-gom-cua-ten-lua-lon-nhat-trieu-tien-vua-thu-nghiem-d546912.html