Uy lực 'không phải dạng vừa' của hệ thống chống tăng Nga dùng để phòng vệ vũ khí phương Tây

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những hình ảnh về hoạt động của tổ hợp chống tăng tự hành Shturm-S tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hệ thống chống tăng Shturm-S của Nga. (Nguồn: Rostec)

Hệ thống chống tăng Shturm-S của Nga. (Nguồn: Rostec)

Tổ hợp chống tăng Shturm-S có thể tiêu diệt các cứ điểm, xe bọc thép, pháo binh và các mục tiêu bay chậm, tầm thấp của đối phương. Tổ hợp này có nhiều phiên bản để trang bị cho nhiều loại hình tác chiến, như cho lục quân, máy bay trực thăng hay tàu chiến.

Tổ hợp Shturm-S được quân đội Nga sử dụng ở những nơi xe tăng không thể tác chiến hiệu quả. Nhiệm vụ chính của Shturm-S là hỗ trợ bộ binh tấn công, đánh chặn những cuộc phản công của đối phương. Ngoài ra, tổ hợp vũ khí này cũng được cho là phương tiện có thể tiêu diệt các loại xe tăng như Leopard và Abrams mà phương Tây đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine.

Phiên bản của tổ hợp chống tăng Shturm được Nga sử dụng trong xung đột với Ukraine là phiên bản dành cho lục quân, được thiết kế để lắp ráp trên xe bọc thép đa năng hạng nhẹ MT-LB, có trọng lượng 12,3 tấn, di chuyển với tốc độ 70km/h.

Tổ hợp vũ khí này có thể hoạt động ở các địa hình khác nhau với mọi điiều kiện thời tiết. Vì áp lực thấp, cho nên nó có thể di chuyển ở cả những nơi không có hệ thống giao thông.

Shturm-S được đánh giá là một trong những tổ hợp tên lửa có điều khiển có uy lực nhất. Vũ khí này được sản xuất năm 1970 tại phòng thiết kế chế tạo máy Kolomna. Hiện nay, cơ sở này đang hoạt động với cường độ 3 ca liên tục, để đảm bảo đáp ứng về vũ khí cho quân đội Nga.

Hiện nay phiên bản mới nhất trang bị trong quân đội Nga là Shturm-SM 9K132. Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, có thể quân đội Nga đã đưa vào sử dụng phiên bản trước nữa.

Tổ hợp chống tăng của Nga hiện nay được trang bị tên lửa siêu thanh Ataka, tên lửa này có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau tùy vào mục tiêu cần tấn công. Ví dụ, để tiêu diệt xe bọc thép của đối phương, tên lửa Ataka sẽ mang đầu đạn xuyên lõm, để tấn công hệ thống công sự thì sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh, để tấn công bộ binh và máy bay trực thăng ở độ cao từ 3 km đổ lại thì sử dụng bom chùm.

Tầm bắn của tổ hợp Shturm đạt 6km, tốc độ đầu đạn 550m/s. Hệ thống phóng được bố trí ở khoang phía sau. Việc nạp đạn được tiến hành khi tên lửa phóng ra trước đó còn đang bay trên không. Như vậy, một phút có thể phóng được 3-4 quả tên lửa.

Một ưu điểm mạnh nữa của tổ hợp tên lửa chống tăng Shturm là khả năng đánh trúng mục tiêu rất cao, vì quỹ đạo của tên lửa được điều khiển bằng sóng vô tuyến và tia laser.

Ban đầu tên lửa phóng ra bay ở độ cao gần 6m theo thiết bị ngắm quang học. Khi cách mục tiêu 500m, tên lửa sẽ hạ thấp ngang tầm với mục tiêu, đây là yếu tố giúp giảm thiểu những tác động bất lợi của khói bụi phát ra từ đường đạn đến quá trình ngắm bắn.

Có mộ hạn chế của tổ hợp là hệ thống thông tin vô tuyến không được bảo vệ. Về lý thuyết, đối phương có thể gây nhiễu, dẫn tới tên lửa có thể bay qua mục tiêu. Điều quan trọng là các kỹ sư và chuyên gia của Nga đã tìm ra và tính toán tới sơ hở này.

(theo AiF.ru)

Văn Đỉnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/uy-luc-khong-phai-dang-vua-cua-he-thong-chong-tang-nga-dung-de-phong-ve-vu-khi-phuong-tay-215038.html