Uy lực tên lửa chống tăng Vikhr mà Nga tăng cường sử dụng ở Ukraine

Việc Nga tăng cường sử dụng tên lửa chống tăng Vikhr nêu bật sự thay đổi chiến lược của nước này khi xung đột với Ukraine diễn biến phức tạp.

Theo các nhà quan sát, đáp lại việc mới đây châu Âu cam kết cung cấp thêm 14 xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine, Nga đang tăng cường sử dụng nhiều sát thủ diệt tăng hơn, đặc biệt là tên lửa chống tăng phóng từ trên không 9K121 Vikhr.

Chuyên san quân sự National Interest lưu ý rằng động thái này đánh dấu một sự thay đổi chiến lược của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

“Trong bối cảnh cả hai bên phụ thuộc nhiều vào vũ khí chống tăng hiện đại và máy bay không người lái (UAV), việc Nga tăng cường sử dụng tên lửa 9K121 Vikhr đã nêu bật chiến lược đang thay đổi của họ” – National Interest nhận xét.

 Tên lửa dẫn đường chống tăng Vikhr-1. Ảnh: MILITARYLEAK.COM

Tên lửa dẫn đường chống tăng Vikhr-1. Ảnh: MILITARYLEAK.COM

Tên lửa 9K121 Vikhr (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO định danh là AT-16 Scallion) là hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng hiện đại, do Liên Xô phát triển và Nga nâng cấp sau đó. 9K121 Vikhr đặc biệt được thiết kế để đối phó xe bọc thép, kể cả xe tăng có giáp phản ứng nổ, và các mục tiêu trên không tốc độ thấp như trực thăng.

Tên lửa 9K121 Vikhr có một số tính năng đáng chú ý. Tên lửa dài 2,75 m, đường kính 0,13 m, nặng 45 kg. Vikhr có khả năng đạt đến vận tốc 2.100 km/giờ, khiến nó trở thành tên lửa siêu thanh. Hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng công nghệ dẫn chùm tia laser, đảm bảo độ chính xác cao và khả năng chống lại các biện pháp đối phó điện tử.

Theo hãng tin TASS, tập đoàn quốc phòng Rostec thuộc nhà nước Nga tuyên bố tên lửa Vikhr có thể tấn công với độ chính xác đến không ngờ, về cơ bản đảm bảo “mỗi một tên lửa được phóng ra là một mục tiêu bị phá hủy”.

“Những tên lửa này hiệu quả vào bất cứ thời điểm nào, cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Vai trò của tên lửa chống tăng Vikhr trong chiến dịch quân sự đặc biệt đang tăng lên. Nó được sử dụng để phá hủy cả xe bọc thép trong hầm trú ẩn và đang di chuyển, cũng như tấn công các điểm khai hỏa và vị trí được bảo vệ tốt của Ukraine” – Rostec cho biết.

Tên lửa Vikhr thường được phóng từ các trực thăng tấn công của Nga như “Cá mập đen” Ka-50 và “Cá sấu” Ka-52. Những trực thăng này có hệ thống nhắm mục tiêu tiên tiến, hoạt động song song với cơ chế dẫn đường của tên lửa Vikhr, đảm bảo tấn công chính xác vào cả mục tiêu đất liền và trên không.

Trực thăng Mi-28N cũng sẽ sớm được nâng cấp để mang tên lửa Vikhr-1.

 Trực thăng tấn công Ka-52 trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào tháng 5-2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Trực thăng tấn công Ka-52 trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào tháng 5-2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

9K121 Vikhr có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau để phù hợp các nhiệm vụ khác nhau. Đầu đạn chính của tên lửa này là đạn nổ mạnh chống tăng HEAT có khả năng xuyên giáp hiện đại. Đối với các mục tiêu không bọc thép và máy bay bay tầm thấp, tên lửa có thể được lắp đầu đạn phân mảnh.

Tầm hoạt động của tên lửa 9K121 Vikhr phụ thuộc vào nền tảng phóng. Khi được phóng từ trực thăng, tầm bắn hiệu quả của tên lửa là 8-10 km. Tầm bắn mở rộng này cho phép Vikhr tấn công các mục tiêu ở khoảng cách an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bệ phóng và tăng tỉ lệ thành công.

Được dẫn đường bằng tia laser hướng tới mục tiêu, tên lửa Vikhr sử dụng hệ thống ngắm tự động, có màn hình video cho hoạt động ban ngày và khả năng hồng ngoại cho nhiệm vụ ban đêm.

Trang Army Recognition nhấn mạnh rằng khả năng bắn trúng mục tiêu của tên lửa chống tăng Vikhr thật sự ấn tượng, 95% đối với mục tiêu cố định và khoảng 80% đối với mục tiêu đang di chuyển. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tính chính xác của tên lửa có thể giảm dần ở khoảng cách xa do sự phân tán chùm tia laser dẫn đường.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/uy-luc-ten-lua-chong-tang-vikhr-ma-nga-tang-cuong-su-dung-o-ukraine-post802456.html