Uy lực vũ khí giúp Nga đạt bước tiến ở Kharkov
Khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng, Nga tiếp tục tăng cường sử dụng bom lượn trên chiến trường. Một số chuyên gia quân sự đánh giá, bom lượn đã đóng vai trò quan trọng trong việc Nga giành được lãnh thổ từ Ukraine thời gian gần đây, đặc biệt là ở các khu vực phía Đông.
Bom lượn là loại vũ khí dẫn đường chính xác, kết hợp các đặc điểm của bom thông thường và tên lửa hành trình. Không giống như bom truyền thống được thả từ máy bay và chỉ dựa vào quỹ đạo tên lửa để tiếp cận mục tiêu, bom lượn được trang bị cánh và hệ thống dẫn đường, cho phép chúng di chuyển trong khoảng cách xa hơn, tăng độ chính xác và tầm bắn.
Nga đã sử dụng loại vũ khí này trong một cuộc tấn công bất ngờ ở phía Đông Ukraine, gần thành phố Kharkov vào cuối tuần qua.
“Nga đang pháo kích vào các ngôi làng. Bom dẫn đường xuất hiện rất nhiều trên chiến trường”, Sergiy Kryvetchenko, phó lãnh đạo chính quyền quân sự Ukraine tại làng Lyptsi ở Kharkov, nói.
Theo George Barros, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, các hệ thống phòng không của Ukraine không thể đánh chặn bom lượn khi chúng đã được phóng. “Do đó, Nga có thể tấn công thành phố Kharkov mà không cần xâm nhập không phận Ukraine”.
“Đẩy lùi hoạt động tấn công của Nga ở Kharkov đòi hỏi phải ngăn chặn được mối đe dọa từ bom lượn của Nga. Các lực lượng Nga sử dụng bom lượn phóng từ không phận Nga để tạo điều kiện cho quân đội nước này cơ động trên mặt đất ở Kharkov”, ông Barros chia sẻ trên mạng xã hội X.
Bom lượn hoạt động như thế nào?
Nguyên lý cơ bản của bom lượn rất đơn giản. Sau khi được thả ra khỏi máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu, cánh của bom lượn sẽ mở ra và hệ thống dẫn đường bắt đầu hoạt động, cho phép vũ khí điều hướng tới mục tiêu đã định. Hệ thống dẫn đường có thể dựa trên nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm dẫn đường quán tính, dẫn đường vệ tinh hoặc dẫn đường bằng laser.
Một trong những ưu điểm chính của bom lượn là khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, thậm chí từ khoảng cách đáng kể. Độ chính xác này đạt được thông qua sự kết hợp giữa thiết kế khí động học và hệ thống dẫn đường của bom lượn. Hệ thống dẫn đường liên tục điều chỉnh quỹ đạo của bom để bù đắp cho các yếu tố như gió và độ cao.
“Bom lượn là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng. Chúng ta cần phải nghĩ đến việc vô hiệu hóa nó”, Alexander Kovalenko, nhà phân tích quân sự Ukraine, nói.
Cách Nga sử dụng bom lượn
Nga đã sử dụng rộng rãi bom lượn, đặc biệt là ở các khu vực phía Đông Ukraine, nơi loại vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu vào các vị trí kiên cố và cơ sở hạ tầng của Kiev.
Newsweek dẫn một báo cáo cho biết, Nga đang sử dụng hai loại bom lượn chính là FAB-500 và FAB-1500. Biến thể FAB-500 nhỏ hơn, nặng 500kg và tầm bắn lên tới 30km, trong khi FAB-1500 nặng 1.500 kg và có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 50km.
Ngoài độ chính xác cao, ưu điểm của bom lượn là cho phép các máy bay Nga như máy bay ném bom chiến đấu Su-34 và Su-35 tránh xa tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine như khẩu đội tên lửa Patriot do phương Tây cung cấp cho Kiev.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, bom lượn Nga sử dụng để nhắm mục tiêu vào các thị trấn của Ukraine không phát nổ.
Một binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn Di động trên không số 46 có căn cứ tại Donetsk đã miêu tả hiệu quả của những quả bom này là "địa ngục". "Thiệt hại mà nó gây ra rất nghiêm trọng. Nó gây rất nhiều áp lực lên tinh thần của các binh sĩ", binh sĩ này cho hay.
Ukraine chống đỡ ra sao trước vũ khí "địa ngục"?
Bom lượn cho phép Nga tấn công phòng tuyến Ukraine từ vị trí xa hơn tầm bắn của pháo binh, đồng thời giúp máy bay chiến đấu của Moscow tránh được tên lửa phòng không đối phương.
Khi Nga tiếp tục tăng cường sử dụng bom lượn, Ukraine và các đồng minh đang nỗ lực phát triển các biện pháp đối phó. Một phương án để ứng phó với bom lượn của Nga là triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng đánh chặn loại vũ khí này trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Bắn hạ máy bay trước khi chúng thả bom lượn hoặc tấn công khi chúng đang ở dưới mặt đất thực sự là cách duy nhất để đánh bại mối đe dọa. Phá hủy những quả bom lượn trước khi chúng được đưa lên không trung cũng là một giải pháp.
Ngoài ra, Ukraine cũng tiến hành các nỗ lực nhằm phá vỡ hệ thống dẫn đường của bom lượn, khiến chúng trở nên kém chính xác hơn và giảm hiệu quả tấn công.