Uy lực vũ khí Triều Tiên sau 4 năm
Những lệnh cấm vận của cựu Tổng thống Trump khiến Triều Tiên chịu nhiều tổn thất, song cũng làm tăng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với hàng loạt bất ổn và thách thức đối nội, chính quyền Biden được cho là có thể chọn cách tiếp cận với Triều Tiên thông qua các đồng minh Nhật - Hàn, hơn là đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng như người tiền nhiệm Donald Trump.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, Triều Tiên mà ông Biden phải đối phó ngày nay đã hùng mạnh hơn hẳn giai đoạn 4 năm trước, một phần nhờ vào các chính sách cấm vận của chính quyền Trump.
Những lệnh trừng phạt không khiến Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí. Mà ngược lại, cấm vận càng khiến Triều Tiên có động lực để tăng cường khả năng quân sự, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.
Giới chuyên gia tin rằng giờ đây Triều Tiên sở hữu ít nhất 3 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với khả năng tấn công tới lục địa Mỹ. Phần lớn các linh kiện của tên lửa trên được phát triển trong nước.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đang sản xuất các phương tiện để triển khai vũ khí hạt nhân từ bất kỳ đâu trên lãnh thổ.
"Việc cấm vận dường như không có hiệu quả trong việc giảm thiểu nỗ lực sản xuất vật liệu phân hạch và vũ khí hạt nhân", giáo sư Siegfried Hecker (Đại học Harvard), người từng trực tiếp thanh tra các cơ sở hạt nhân Triều Tiên, bình luận.
Dưới thời ông Trump, Bloomberg ghi nhận Triều Tiên đã có bước tiến trong 4 lĩnh vực.
Bom nguyên tử
Các chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ trong việc phát triển các đầu đạn có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Lượng vật liệu phân hạch dùng mà Triều Tiên sản xuất trong giai đoạn ông Kim Jong Un nắm quyền cũng nhiều hơn hẳn so với thời của cha và ông.
Đáng chú ý, Triều Tiên "có thể đã phát triển thiết bị hạt nhân cỡ nhỏ và lắp được vào đầu đạn tên lửa", một chuyên gia của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói.
Theo giáo sư Hecker, Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất uranium làm giàu ở mức cao, cũng như nhiên liệu nhiệt hạch cần thiết cho các loại bom khinh khí (bom H).
Lần gần nhất Triều Tiên cho nổ bom H là vào năm 2017. Sức công phá của quả bom này được dự đoán là gấp 10 lần quả bom mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945.
Bom nguyên tử (bom A) và nhiệt hạch (bom H) à hai loại vũ khí hạt nhân có sức công phá mạnh nhất, nhưng bom H được cho là sức tàn phá mạnh hơn. Tuy nhiên, nó không phổ biến bằng bom A.
Tên lửa đạn đạo
Trong buổi duyệt binh vào tháng 10/2020, Bình Nhưỡng ra mắt loại ICBM mới nhất của nước này. Theo AP, các chuyên gia nhận định đây dường như là loại tên lửa có khả năng cơ động trên bộ lớn nhất thế giới, và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, đây còn chưa phải là loại tên lửa nguy hiểm nhất của nước này. Hôm 14/1, Triều Tiên ra mắt tên lửa mới Pukguksong-5 trong lễ duyệt binh đánh dấu thành công của đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8.
Pukguksong-5 là tên lửa đạn đạo có thể phóng từ tàu ngầm, và được hãng thông tấn nhà nước KCNA gọi là “loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới, là minh chứng mạnh mẽ cho sức mạnh của lực lượng vũ trang”.
Tên gọi Pukguksong-5 cho thấy đây là bản nâng cấp mới nhất của dòng tên lửa Pukguksong. Hiện chưa có nhiều thông tin về loại tên lửa mới này, song giới chuyên gia dự đoán nó không khác nhiều với tên lửa Pukguksong-3 từng được Triều Tiên bắn thử vào năm 2019.
Dòng tên lửa Pukguksong sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn, giúp việc bảo quản nhiên liệu và phóng nhanh hơn; qua đó đảm bảo việc triển khai có thể diễn ra nhanh chóng nếu xung đột nổ ra.
Nước này cũng phóng thử nhiều tên lửa siêu thanh KN-23 với khả năng tấn công toàn lãnh thổ Hàn Quốc chỉ trong vài phút.
Các loại vũ khí thông thường
Lễ duyệt binh tháng 10/2020 cho thấy Triều Tiên có khả năng sản xuất nhiều loại trang bị quân sự hiện đại, bao gồm các hệ thống phòng không, trang bị phòng hóa và súng trường.
Chuyên gia về vũ khí Triều Tiên Joost Oliemans cho rằng sự xuất hiện của các bệ phóng tên lửa di động cho thấy ngành công nghiệp xe tải hạng nặng nước này đã đạt được bước tiến lớn.
Nó có thể "hỗ trợ sự ra đời của một loạt các phương tiện chiến đấu bọc thép mới", chuyên gia Oliemans nói.
Vào tháng 7/2020, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đăng hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi thăm một cơ sở sản xuất tàu ngầm. Loại tàu ngầm mới này được dự đoán là có khả năng mang những loại vũ khí hạt nhân tân tiến nhất.
Nghiên cứu quân sự
Các loại vũ khí của Triều Tiên cho thấy nước này có khả năng nội địa hóa các công nghệ nước ngoài theo hướng mong muốn, cũng như khả năng vượt qua các cản trở về công nghệ.
Loại tên lửa KN-23 của Triểu Tiên dường như được chỉnh sửa từ hệ thống tên lửa Iskandar của Nga, trong khi các ICBM mới ra mắt lại có vẻ là thiết kế trong nước.
Điều này đánh dấu bước tiến của ngành khoa học quân sự Triều Tiên, khi có thể tự phát triển các hệ thống vũ khí thay vì lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Sự phát triển nói trên là kết quả của tận dụng các thông tin công khai có sẵn và việc khen thưởng các nhà nghiên cứu xuất sắc. Theo tờ Diplomat, Bình Nhưỡng hiện hậu thuẫn khoảng 130 tổ chức nhằm hỗ trợ các nhà khoa học.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/uy-luc-vu-khi-trieu-tien-sau-4-nam-post1168453.html