Uy tín doanh nghiệp tăng cao khi 'lọt' danh sách ưu tiên hải quan

Thời gian qua, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Trong đó, chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) về thủ tục hải quan đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Nhiều chế độ, chính sách tạo thuận lợi

Với mong muốn tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp (DN) tuân thủ tốt chương trình AEO được thí điểm lần đầu tiên năm 2011, sau đó năm 2014 chương trình này được luật hóa tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp chủ động nâng tầm

Tham gia chương trình AEO, thông qua các biện pháp quản lý của cơ quan hải quan, DN sẽ tự chủ động nâng tầm lên, tự kiểm soát nội bộ tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh nâng lên.

Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện, đến tháng 9/2023, đã có 73 DN được cơ quan hải quan chứng nhận là DN ưu tiên đến từ nhiều nước khác nhau. Trong đó có 25 DN Việt Nam, 16 DN Hàn Quốc, 13 DN Nhật Bản; còn lại là các DN đến từ các thị trường: Hoa Kỳ, Đài Loan, Ý, Đan Mạch, liên doanh Việt - Nga... Tuy số lượng chỉ 73 DN nhưng chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, đạt khoảng 266 tỷ USD năm 2022. Các lĩnh vực hoạt động của DN ưu tiên khá đa dạng, từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến; chế tạo đến nông nghiệp.

Mặc dù có thời điểm lên đến 75 DN ưu tiên nhưng trong quá trình quản lý kiểm tra, đánh giá cơ quan hải quan phát hiện có DN vi phạm, không đạt tiêu chí và cơ quan hải quan đã đình chỉ "tư cách" DN ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), chương trình AEO có rất nhiều chế độ, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN đủ điều kiện. Nhưng ngược lại, nếu DN vi phạm, thực hiện không đúng quy định, cơ quan hải quan sẵn sàng có cơ chế đình chỉ ngay.

Ông Nguyễn Sỹ Hoàng cho biết thêm, qua quá trình 12 năm đồng hành lắng nghe, thấu hiểu DN, cơ quan hải quan đã nắm bắt được những khó khăn, thuận lợi để từ đó kiến nghị chính sách có ưu tiên thiết thực cho DN. Lợi ích đầu tiên mà DN ưu tiên có được là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Điều này rất quan trọng đối với đối tác cần giao hàng nhanh, đúng thời hạn; từ đó kéo giảm nhiều lợi ích khác từ bộ máy nhân sự, các chi phí liên quan.

Tiếp đó, khi được là DN ưu tiên, DN tăng uy tín, thương hiệu trong nước cũng như quốc tế. Với thị trường trong nước là đối tác cung ứng hàng hóa cho DN ưu tiên, thị trường quốc tế là các đối tác sử dụng sản phẩm của DN ưu tiên. Một lợi thế có thể đong đếm được ngay đó là DN ưu tiên có thể nộp thuế chậm nhất vào ngày mùng 10 tháng kế tiếp. Có nghĩa mở tờ khai ngày 1 tháng trước, DN có thể nộp thuế mùng 10 tháng sau. Với những DN có thuế suất, trị giá lớn như mặt hàng thép thì lợi ích rất lớn.

Ngoài ra, hiện Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chương trình AEO với hải quan các nước thành viên ASEAN, đồng thời đang đàm phán ký kết với các nước khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Chile, Anh… Khi được công nhận lẫn nhau, các DN ưu tiên của Việt Nam sẽ được hưởng các chính sách tương tự như các DN ưu tiên tại các nước đó. Hiện nay 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng chương trình AEO.

Luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa

Đánh giá cao hiệu quả của chương trình AEO, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho hay, khi kiến nghị chính sách, viện đã lấy kinh nghiệm AEO của ngành Hải quan để đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ chuyên ngành nghiên cứu áp dụng mô hình này trong lĩnh vực quản lý.

Hiện nay, cơ quan hải quan đang nghiên cứu để điều chỉnh các chính sách liên quan đến chương trình AEO ở hai giai đoạn, trước khi sửa và khi sửa Luật Hải quan. Nội dung được nhiều DN quan tâm là mở rộng đối tượng tham gia. Quy định tất cả các DN tham gia trong chuỗi cung ứng đều có thể trở thành DN ưu tiên khi đáp ứng các điều kiện, quy định.

Bên cạnh đó, tỷ lệ DN nước ngoài được công nhận là DN ưu tiên cao hơn hẳn DN trong nước. Điều này chủ yếu do đặc thù DN Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ nên các điều kiện không bằng các DN đến từ các quốc gia phát triển. Do vậy, cơ quan hải quan đang định hướng sửa chính sách cụ thể để thu hút, thêm cơ hội cho DN vừa và nhỏ trở thành DN ưu tiên.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng báo cáo các cấp có thẩm quyền để quy định mở rộng ưu tiên không chỉ trong lĩnh vực hải quan, thuế mà ưu tiên sang lĩnh vực khác như: kiểm tra chuyên ngành, đầu tư…

Cơ quan hải quan kỳ vọng với các định hướng sửa đổi như vậy sẽ ngày càng có nhiều DN ưu tiên hơn. Với những DN đã được ưu tiên, cơ quan hải quan sẽ đảm bảo luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa.

Kiến nghị mở rộng đối tượng áp dụng

Để phát triển chương trình AEO của Việt Nam, cần có những thay đổi phù hợp về quy định để mở rộng đối tượng áp dụng và xây dựng bộ điều kiện phù hợp với từng đối tượng, thúc đẩy quá trình thiết lập và kí kết các cơ chế công nhận lẫn nhau về các chương trình AEO (MRA) tạo điều kiện thuận lợi cho AEO tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra sau thông quan khi DN đăng kí và gia hạn chương trình AEO cần được chú trọng hơn nữa, tinh giản và minh bạch góp phần xây dựng niềm tin của DN, phát triển mạng lưới các DN AEO tại Việt Nam. - Ông Son Won Sik - đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham).

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uy-tin-doanh-nghiep-tang-cao-khi-lot-danh-sach-uu-tien-hai-quan-138151.html