Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn

Năm 2023 là năm kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Nai đã rất nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh

Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai nhân dịp kết thúc năm 2023, đón chào năm mới 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết:

- Dù năm 2023, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, nhưng đặt trong tình hình chung, Đồng Nai vẫn là địa phương giữ được sự phát triển ổn định. Cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực đột phá, tạo chuyển biến trên công tác xây dựng Đảng, tập trung chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân…

Tập trung thực hiện những lĩnh vực đột phá

Đâu là kết quả của những nỗ lực đáng ghi nhận của Đồng Nai trong năm qua, thưa đồng chí?

- Trong bối cảnh khó khăn, Đồng Nai vẫn có những điểm sáng nhằm từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh thu từ lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch tăng; lĩnh vực môi trường và khai thác khoáng sản được quan tâm giám sát; lĩnh vực y tế, giáo dục và công tác chăm lo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực… Đặc biệt là chất lượng tăng trưởng của Đồng Nai ngày càng tốt hơn, bền vững hơn.

Năm 2023, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 2.683 đảng viên mới, đạt tỷ lệ 101,4% so với tổng số chỉ tiêu giao năm 2023, đạt 3,06% so với tổng số đảng viên cuối năm 2022, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 88.480 đồng chí. Trong năm đã thành lập được 10/10 tổ chức Đảng với 49 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch đề ra.

Đối chiếu với 60 chỉ tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy năm 2023 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có 52 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 11 chỉ tiêu vượt, như tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức chính trị - xã hội…

4 lĩnh vực đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định được thực hiện như thế nào trong năm 2023, thưa đồng chí?

- Năm 2023, cả 4 lĩnh vực đột phá (gồm: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội) được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả khá rõ rệt.

Cụ thể, như về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã xây dựng được 7/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ (đạt 87,5% chỉ tiêu kế hoạch); hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt 40%; tỷ lệ diện tích được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương đạt 1,2%; tỷ lệ các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 52%.

Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: N.HÒA

Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: N.HÒA

Hay về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm tăng; chủ động hơn trong việc xử lý thông tin, phát hiện, xác định, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Tỉnh ủy và cấp ủy cấp dưới, tập trung những nội dung, lĩnh vực trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm.

Đồng chí đánh giá như thế nào về những hạn chế trong việc thực hiện các lĩnh vực đột phá cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?

- Có thể thấy, dù đã đạt được một số kết quả nổi bật song trên từng lĩnh vực đột phá vẫn còn những hạn chế nhất định. Dễ thấy nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm; tính sẵn sàng trong thu hút đầu tư chưa tốt, kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án. Trách nhiệm, vai trò gương mẫu của một số ít cán bộ, đảng viên chưa thật sự chuyển biến; tỷ lệ đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật tăng, trong đó cấp ủy viên bị thi hành kỷ luật vẫn còn cao…

Nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng

Cán bộ là cái gốc của công việc. Trong năm qua, Đồng Nai đã chăm lo “cái gốc” này như thế nào, thưa đồng chí?

- Xác định công tác cán bộ có vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng và thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, năm qua, Đồng Nai đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đó, công tác cán bộ được thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình chính trị nội bộ trong cán bộ, đảng viên; triển khai, cụ thể hóa thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm thực hiện kịp thời nhất là ở những cơ quan, đơn vị sáp nhập, hợp nhất.

Năm 2024 dự báo sẽ còn gặp rất nhiều thách thức nhưng tôi tin tưởng rằng cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ chung sức, đồng lòng, đoàn kết để vượt qua. Đồng Nai sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng chính quyền sâu sát dân, gần dân, giải quyết nhiều vấn đề của dân đi đôi với chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ cán bộ trách nhiệm và tận tụy với công việc. Tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư đẳng cấp về Đồng Nai bằng các dự án lớn, đồng thời tháo gỡ vướng mắc những dự án đang bị dừng lại hoặc chậm tiến độ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa.

Đến nay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ 2025-2030 của 67 đơn vị, địa phương với 1.524 lượt cán bộ; giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 và bổ sung nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; điều chỉnh cơ cấu ban thường vụ cấp ủy trực thuộc nhiệm kỳ 2020-2025.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua thực tiễn đánh giá hiệu quả công việc thời gian qua cho thấy, còn một bộ phận cán bộ vẫn trì trệ, chưa quyết tâm cho sự phát triển. Do đó, phải tính toán, đánh giá để có sự thay đổi, bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp với từng vị trí công việc nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Đồng Nai hiện đang thực hiện thí điểm Đề án ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. Đánh giá của đồng chí về việc triển khai đề án này ra sao?

- Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai được đưa vào sử dụng từ tháng 7-2023 nhằm xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức hoạt động của các cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua môi trường chuyển đổi số.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (thứ 2 từ trái qua) tham quan Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: N.THÀNH

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (thứ 2 từ trái qua) tham quan Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: N.THÀNH

Đến nay, đề án đã hoàn thành giai đoạn 1, tổ chức thực hiện thí điểm tại 4 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, gồm: Khối các cơ quan tỉnh, Khối doanh nghiệp tỉnh, TP.Long Khánh và H.Cẩm Mỹ; từ quý I-2024, đề án sẽ bước vào thực hiện giai đoạn 2 trong toàn Đảng bộ tỉnh (trừ Đảng bộ Công an và Quân sự).

Quá trình thực hiện giai đoạn 1 của đề án, có thể thấy ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử đã từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên tích cực tham gia sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong sinh hoạt và công tác. Từ đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, sinh hoạt Đảng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Thời gian qua, người dân đánh giá rất cao công tác tiếp dân, đối thoại, gặp gỡ với dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Đặc biệt là những cuộc đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với người dân trong khu vực bị thu hồi đất phục vụ cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vì sao đồng chí lại lựa chọn đây là nội dung để đối thoại với dân trong năm 2023?

- Tiếp dân, đối thoại với dân không chỉ là quy định bắt buộc với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn thể hiện sự sâu sát, gần gũi của một Đảng gần dân, chính quyền gần với nhân dân. Qua tiếp dân, đối thoại với dân, cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó đưa ra được các quyết sách phù hợp với thực tiễn, giải quyết kịp thời đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Thông qua tiếp dân, đối thoại với dân còn giúp giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, hình thành thói quen tiếp dân khi dân cần, không phải đợi đến khi có lịch phân công.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các doanh nghiệp, doanh nhân bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng phụ cận sân bay Long Thành. Ảnh: Vương Thế

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các doanh nghiệp, doanh nhân bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng phụ cận sân bay Long Thành. Ảnh: Vương Thế

Trong năm 2023, sở dĩ Bí thư Tỉnh ủy lựa chọn 2 buổi đối thoại với nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án trọng điểm của tỉnh (đối thoại với 150 hộ dân trong khu vực mở rộng đường T1 và T2 giao thông kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với quốc lộ 51 (H.Long Thành) và với 250 người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Long Thành đại diện các hộ dân thuộc diện di dời của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, số hộ dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù, tái định cư lớn.

Hiện, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Thấu hiểu vấn đề này, tỉnh đã và đang quan tâm, thực hiện tốt những chế độ, chính sách đồng thời huy động tối đa các nguồn lực cùng chung tay chăm lo cho lao động khó khăn và người dân nghèo trên tinh thần hỗ trợ, sẻ chia.

Dù các cấp, các ngành của Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến giá đền bù, xét tái định cư, hỗ trợ di dời chỗ ở, kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp… song thực tế, không phải là không còn những tâm tư. Do đó, việc lắng nghe ý kiến của dân cũng là cách để lãnh đạo tỉnh kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết ngay những vướng mắc trong thẩm quyền địa phương nhằm giúp người dân yên tâm với nơi ở mới, đồng thuận với chủ trương, chính sách đã ban hành.

Tiếp dân, đối thoại với dân đi đôi với quan tâm, chăm lo cho đời sống người dân tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện trong năm 2024 này.

Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-nguyen-hong-linh-no-luc-doan-ket-vuot-qua-kho-khan-cc14934/