'Uy vũ bất năng khuất'
Tiếng cười xem thường uy vũ, đó là lời mà người đương thời thường nói tới mỗi khi nhắc về cụ Huỳnh Thúc Kháng. Có không ít người còn khẳng định cụ Huỳnh Thúc Kháng là một người 'Uy vũ bất năng khuất'. Trong tự truyện, cụ kể rằng: Khi cụ đang vận động thành lập thương hội ở Hội An thì phong trào xin giảm sưu thuế đã nổ ra. Biết mình không tránh khỏi liên lụy nên cụ đã tránh về quê nhà tại Thạnh Bình.
>> Không cần danh vị
>> Một nhân cách lớn
>> Chính trực, trung kiên
>> Gương sáng muôn đời
>> Chuyện về Tô Trung Từ
Ngay sau đó, quan binh Pháp - Nam đã kéo đến bắt cụ. Nhưng, “để bắt một chàng thư sinh tay trơn chân trần, phải dùng đến một đề đốc tỉnh, hai quan đồn binh, lại đèo hai chục lính tập, chia đường lục đục kéo đến, xem tôi như một lãnh tụ dân đảng nào, một địch tướng, phòng có việc gì xảy ra bất trắc chăng”. Thấy vậy chàng thư sinh Huỳnh Thúc Kháng vẫn “có thái độ thản nhiên, cười nói như thường”.
Và không chỉ có tiếng cười xem thường uy vũ, mà với cụ Huỳnh Thúc Kháng lại còn có cả tiếng cười đồng chí. Chuyện xưa kể lại rằng: Lúc xảy ra vụ chống thuế Trung kỳ, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội liền bị bắt giải về Huế kết tội mưu loạn và bị đày ra Côn Đảo. Ngày 28 tháng 8 năm ấy (1908), Huỳnh Thúc Kháng cùng 26 người nữa cũng bị đày ra Côn Đảo. Cũng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị kết tội mưu loạn đày ra Côn Lôn ngộ xá bất nguyên. Tại đây, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đã gặp nhau. Trong giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa đảo, hai người chỉ nhìn nhau... cười! Chẳng cần hỏi “Vì sao lại phải đến Côn Lôn”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ứng tác hai câu thơ: Tóc tơ bạc phơ răng bác rụng/Gặp nhau không nói, ngó nhau cười! Quả là tiếng cười lạc quan của những người đã cảm thông nhau một cách sâu sắc.
Cũng theo sách tự truyện của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cho hậu thế biết thế nào là tiếng cười xem thường danh lợi: Năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng ra tù. Thực dân Pháp và Nam triều nghĩ rằng, với 13 năm tù đày gian khổ đã làm nhụt chí nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng chúng đã lầm. Năm 1923, Khải Định dùng ngón “khôi phục hàm tiến sĩ hàn lâm viện biên tu cho Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời sai Nguyễn Bá Trác và Phạm Quỳnh Lâm trung gian đem thư của khâm sứ Pasquire đến mời cụ ra soạn bộ Hán Việt từ điển. Huỳnh Thúc Kháng đến kinh gặp khâm sứ Pasquire để nói rõ nội tình ngoại thể Đông Dương và chính sách bảo hộ của thực dân Pháp.
Sau cuộc nói chuyện, khâm sứ Pasquire đem chức quan ra nhử, nhưng ngay lúc đó cụ liền nghiêm sắc mặt nói: Tôi là một quốc dân Việt Nam, đã thăm dò rõ việc dân, nên phải nói rõ, còn việc làm quan chẳng phải là điều sở nguyện! Sau 4 tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện, Huỳnh Thúc Kháng “cười một cái, cáo biệt”. Rồi cả Phạm Liễu, người bạn đồng châu, từng ở trong số “Quảng Nam tứ hổ”, cũng đem chuyện quan trường ra nói với Huỳnh Thúc Kháng nhưng cụ chỉ cười mà trả lời: “Việc ấy ở ngoài sự mộng tưởng của tôi”.
Trong sách tự truyện, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết lại việc khi có chỉ bổ cụ vào làm quan tại cổ học viện, trong đó ghi rõ lương mỗi tháng 60 đồng, nhằm đánh vào sự nghèo túng của cụ nhưng cụ đã viết đơn từ chức, trong đơn có câu: Ngày trước từ chức giáo thọ Điện Bàn, đã sinh ra lụy tới thân gia, nay nhận chức thuộc viên tại cổ học, còn mặt mũi nào? Chỉ vì 60 đồng bạc lương, đem cán bút cùn mơ mộng cảnh hoa tàn còn trổ lại, nhìn lại trên 13 năm tù đày sống thừa, hai mái tóc rối bù, há dám thò đầu ra khỏi núi?
Sau những lần khước từ của Huỳnh Thúc Kháng, thực dân Pháp và Nam triều biết rằng không thể đem mồi danh lợi ra nhử một con người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” như cụ. Theo quan niệm của Khổng Tử, một người thực sự là chính nhân quân tử sẽ giữ được ý chí và tiết tháo kiên định, không dễ dàng thay lòng vì vật chất cám dỗ. Cho dù không có quan tước hiển vinh và giàu sang phú quý thì họ vẫn luôn là tấm gương cho người khác về nhân cách, về đạo đức cao thượng không gì lay chuyển được.
Lời bàn:
Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thật sự là người tiêu biểu cho nhân cách trí thức và tinh thần yêu nước, ý thức dấn thân hành động vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với những biến động của thời cuộc; cụ vừa là nhân vật lịch sử nổi tiếng vừa là chứng nhân trước các biến thiên xã hội qua suốt nửa đầu thế kỷ XX. Tiếc rằng, cụ Huỳnh Thúc Kháng mất nhằm lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào thời kỳ gay go nhất. Song, với sự tham gia kháng chiến của cụ là một bài học lớn đối với những người tri thức Việt Nam trong giai đoạn cam go của cách mạng Việt Nam.
Và trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết... Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu...”. Vâng, cuộc đời và sự nghiệp của một con người được lịch sử ghi nhận, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá như vậy quả thật đáng khâm phục, đáng kính, đáng tôn vinh.
N.D
>> Thầy của vua
>> Thái hậu nhân từ
>> Vua Minh Tông dạy con
>> Quân pháp bất vị thân
>> Góc khuất của hoàng đế
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/uy-vu-bat-nang-khuat-45711