V-League và cuộc chạy đà vào kỷ nguyên mới: Chờ một cuộc đổi thay

Dù lượng khán giả trung bình giảm hơn mùa bóng trước và còn lâu mới bằng giai đoạn 2018-2020 nhưng với 5.205 người/trận, V-League mùa này vẫn là giải đấu có lượng khán giả bình quân cao nhất Đông Nam Á. Mức độ hấp dẫn cũng cao hơn khi cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng đều kịch tính đến vòng cuối cùng.

Từ sân bãi, trọng tài đến… HLV

Hồi đầu mùa giải năm nay, CLB Quảng Nam nằng nặc xin… không đá vì chất lượng sân cỏ Mỹ Đình, sân nhà của Thể Công Viettel, “quá nguy hiểm cho cầu thủ”. Nửa đầu mùa, Quảng Nam mượn sân Hòa Xuân của Đà Nẵng làm sân nhà, nửa cuối đến lượt Đà Nẵng mượn sân Tam Kỳ. Lý do là cả 2 sân bóng này đều được nâng cấp mặt cỏ ngay thời điểm diễn ra V-League. Còn tại sân Quy Nhơn, 3 trận cuối cùng trên sân nhà phải mở cửa miễn phí vì sợ không có khán giả đến sân…

Hơn 20 năm sau ngày chuyển sang chuyên nghiệp, vấn đề sân bãi chưa bao giờ hết tính thời sự tại V-League. Nguyên nhân sâu xa vẫn là chuyện kinh phí bảo dưỡng trong bối cảnh 100% sân bóng không thuộc quyền sở hữu của các CLB. Đơn vị quản lý sân thuộc địa phương thì không có ngân sách để nâng cấp, thế nên ở những đội bóng “nhà nghèo”, đành có sao đá vậy.

Vấn đề trọng tài cũng tương tự. Mùa giải 2024-2025 không phát sinh quá nhiều vụ việc nổi cộm nhưng đến cuối mùa, những nhà tổ chức vẫn phải chủ động mời trọng tài ngoại sang điều hành các trận đấu nhạy cảm. Điều này cho thấy chất lượng của trọng tài Việt Nam không cải thiện được nhiều. Trên thực tế, bóng đá Việt Nam hiện chỉ có duy nhất 1 trọng tài hạng Elite - điều hành những trận đấu đẳng cấp châu Á.

 Phải chờ đến lượt HLV thứ 3 trong mùa bóng là Lê Đức Tuấn, Đà Nẵng mới trụ hạng. Ảnh: MINH HOÀNG

Phải chờ đến lượt HLV thứ 3 trong mùa bóng là Lê Đức Tuấn, Đà Nẵng mới trụ hạng. Ảnh: MINH HOÀNG

Cuối cùng là những áp lực dành cho HLV. Nghề HLV ở V-League tiếp tục gặp rủi ro cao khi mùa giải 2024-2025 có đến 7 HLV mất ghế. Hầu hết các trường hợp thay HLV trưởng đều diễn ra ở các đội khu vực cuối bảng. Hai đội thay HLV nhiều nhất là Becamex Bình Dương và Đà Nẵng. Ở giai đoạn 1, đội bóng đất Thủ đã thanh lý hợp đồng với HLV Hoàng Anh Tuấn cùng một loạt trợ lý trước khi đưa trợ lý Nguyễn Công Mạnh lên thay.

Đến cuối mùa giải, HLV Nguyễn Công Mạnh cùng một số trợ lý cũng “nhường ghế nóng” lại cho HLV Nguyễn Anh Đức. Tương tự là CLB Đà Nẵng. Giám đốc Kỹ thuật Trương Việt Hoàng và HLV trưởng Đào Quang Hùng cùng chia tay sau vòng 9. Lãnh đạo đội bóng đã bổ nhiệm ông Cristiano Roland làm HLV trưởng cùng Giám đốc Kỹ thuật Phan Thanh Hùng. Nhưng chỉ sau 3 vòng, nhà cầm quân người Brazil cũng chia tay và được thay bằng HLV Lê Đức Tuấn.

Không chỉ HLV trong nước mà kể cả HLV, giám đốc kỹ thuật người nước ngoài cũng không thoát danh sách mất ghế giữa mùa. Ở Thanh Hóa, HLV Popov được thay bằng HLV Tomislav Steinbrukner vào cuối mùa bóng. Sự khác biệt ở trường hợp này là ông Popov chủ động rút lui.

Từ V-League đến AFC Champions League

Ở mùa giải 2025-2026, bóng đá Việt Nam không có suất dự AFC Champions League Elite (C1 châu Á), chỉ có 2 suất trực tiếp góp mặt tại AFC Champions League Two (C2). Năm ngoái, Thanh Hóa rút lui khỏi cúp C2 và bị AFC trừ điểm, khiến bóng đá Việt Nam liên lụy. Ngoài ra, thành tích của Nam Định ở cúp C2 mùa trước cũng chỉ vào đến vòng 16 đội nên không được AFC đánh giá cao.

Trong bảng xếp hạng sức mạnh các giải vô địch quốc gia theo tính toán của hãng thống kê Opta Power, V-League xếp sau các giải của Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Về cơ bản, thứ hạng này gần như không thay đổi suốt 20 năm qua, điều này cho thấy chất lượng của V-League vẫn dậm chân tại chỗ, rất cần một sự thay đổi toàn diện.

Đã 25 mùa giải chuyên nghiệp nhưng nếu soi kỹ càng, phân tích cặn kẽ các tiêu chí đòi hỏi của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, sợ rằng số CLB đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu còn quá hạn chế. Tình hình tài chính phập phù, phụ thuộc vào nhà tài trợ. Một số CLB không có đủ các tuyến trẻ như yêu cầu.

Thực tế cũng đã có một vài CLB trong nước quan tâm, đầu tư cho khát khao “vươn ra biển lớn” khi được dự AFC Champions League nhưng chừng đó là chưa đủ. Ở AFC Champions League mùa giải 2023-2024, Hà Nội từng thắng đương kim vô địch Urawa Reds cũng như Wuhan Three Towns nhưng vẫn phải rời cuộc chơi sau khi kết thúc vòng bảng. Đấy là thành tích tốt nhất ở sân chơi này của một đại diện V-League.

Với việc số tỉnh, thành của Việt Nam hiện chỉ còn 34, kéo theo quy mô dân số và kinh tế của nhiều địa phương đã tăng mạnh so với trước, V-League đang được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chuyển động lịch sử của đất nước. Một số địa phương như Đà Nẵng, Ninh Bình, Gia Lai, TPHCM… đang sở hữu ít nhất 2 CLB chuyên nghiệp, có thể tạo ra được nguồn lực về con người lẫn tài chính thông qua sáp nhập để cải thiện chất lượng đội bóng, qua đó cân bằng lại cán cân quyền lực vốn đang nghiêng hẳn về bóng đá phía Bắc…

Hiện nay, một số CLB bóng đá ở Việt Nam đã bắt đầu áp dụng công nghệ một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn trong bóng đá. Chẳng hạn, tại Hà Nội, ban lãnh đạo đã tận dụng kho dữ liệu thống kê để trinh sát cầu thủ. Họ cũng thuê huấn luyện viên thể lực và hợp tác với đối tác phát triển thiết bị điện tử, chip GPS để theo dõi hoạt động của cầu thủ trong vài năm qua. Mô hình này cũng được Trung tâm PVF và đội HA.GL áp dụng.

P.MINH

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/v-league-va-cuoc-chay-da-vao-ky-nguyen-moi-cho-mot-cuoc-doi-thay-post803772.html