Va chạm giao thông, sao nhiều người Việt cứ xuống xe là lao vào ẩu đả?
Người Việt dĩ hòa vi quý, không hiểu sao nhiều người hễ có va chạm về giao thông là trở nên 'hổ báo' và bạo lực, xuống xe là lao vào ẩu đả, thậm chí đánh cả phụ nữ.
Việc một nhóm người đập phá ô tô, hành hung tài xế vào chiều mùng 4 Tết trên bến phà Cồn Nhất (huyện Giao Thủy, Nam Định) chỉ vì mâu thuẫn nhỏ lúc chen chúc qua phà khiến dư luận ngán ngẩm vì một thói xấu cố hữu của một bộ phận không nhỏ người Việt: Hễ có va chạm giao thông hoặc chút xích mích trên đường là lao vào cãi cọ, ẩu đả, thậm chí có lúc gây thương vong. Trong vụ việc kể trên, tài xế bị đánh đến mặt mũi sưng vù, đầu óc choáng váng, cơ thể sây sát chỉ vì nhắc nhở xe khác tuân thủ xếp hàng chờ qua phà, đừng phi lên chen ngang.
Trong vụ hành hung xảy ra tối 13/1 trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp, TP.HCM), nạn nhân còn là phụ nữ. Do người đàn ông chạy xe máy vượt lên và phanh gấp, cô gái phía sau không kịp xử lý nên đã va vào đuôi xe của anh ta. Không ngờ người đàn ông này đạp ngã xe cô rồi ra tay đánh đấm.
Cũng tại TP.HCM, sáng 9/12/2024 trên đường Khánh Hội, một cô gái 23 tuổi chạy xe máy va chạm với xe của người đàn ông đi cùng chiều. Người này lập tức lao đến đấm liên tục vào đầu cô gái cho đến lúc ngã, sau đó đá vào mặt nạn nhân rồi rời đi, nhanh đến mức những người xung quanh không kịp can ngăn. Nạn nhân bị đa chấn thương vùng mặt.
Đau đớn hơn cả là nhiều vụ đụng xe không gây chút sây sát nào cho người và tài sản, nhưng sự kích động và thói bạo lực sau đó lại dẫn đến án mạng. Vụ việc xảy ra gần đây nhất là tối 30/12/2024 tại thành phố Bến Cát, Bình Dương. Sau khi 2 xe máy tông nhau, một trong 2 tài xế là Lê Văn Hiền (36 tuổi) tấn công dã man người kia bằng cả tay, chân và mũ bảo hiểm khiến nạn nhân bất tỉnh, mấy ngày sau qua đời tại bệnh viện.
Vụ bạo lực sau va chạm giao thông tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương chiều 12/1/2023 cũng khiến 1 người chết, một người bị thương nặng. Sau khi cãi vã, 3 thanh niên lấy hung khí chạy đi tìm đối phương, chém loạn xạ để xả giận, dẫn đến thảm kịch.
Có thể nói, môi trường giao thông là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa ứng xử của con người. Trong cảnh đường chật, xe đông như ở Việt Nam, những tình huống gây căng thẳng, ức chế rất dễ xuất hiện và đó là lúc chúng ta vô tình bộc lộ những mặt xấu xí mà ngày thường vẫn khéo che đậy. Một trong những biểu hiện tồi tệ trong văn hóa giao thông của người Việt là thói dễ xửng cồ, lao vào đánh mắng, thậm chí đâm chém nhau khi đụng xe.
Mỗi người trong chúng ta chắc đã nhiều lần bắt gặp cảnh đánh lộn hoặc chí ít cũng là gằm ghè đe dọa, quát tháo trên phố vì những mâu thuẫn liên quan đến giao thông. Không ít lần, sau khi chật vật nhích từng mét qua chỗ ùn tắc bất thường vào giờ thấp điểm, ai nấy chán ngán nhận ra nguyên nhân gây tắc chính là mấy người vừa đụng xe. Họ mặc kệ xe ngã chình ình giữa phố, mặc kệ cả biển người đang chen chúc và bóp còi inh ỏi, cứ gườm gườm nhìn nhau, sừng sộ thách thức, đòi “cho một bài học”, bấm điện thoại gọi người đến để có thêm thế lực đàn áp đối phương…hoặc xông vào đánh đấm.
Thật kỳ cục. Người Việt vốn dĩ tính tình thân thiện vui vẻ, dĩ hòa vi quý, nhưng khi có va chạm hoặc mâu thuẫn trong giao thông thì không hiểu sao rất nhiều người lại dễ kích động và có khuynh hướng bạo lực, bất chấp lý lẽ. Xe đụng nhau, hai tài xế vừa lồm cồm bò dậy hoặc mở cửa ô tô bước xuống là mắng phủ đầu đối phương cái đã, bất kể mình sai hay đúng.
Có những anh chàng khoảng 10 phút trước còn là người lịch sự, nhẹ nhàng, 10 phút sau bỗng trở nên hổ báo, ném vào đối phương những câu chửi khó nghe và sẵn sàng đánh nhau chỉ vì cú va chạm nhẹ, người không sây sát, xe cộ không hỏng hóc gì.
Mà cũng lạ, nhiều đàn ông Việt ga lăng ở chỗ nọ chỗ kia, nhưng cứ đến lúc đụng xe là quên tiệt. Đụng xe với phụ nữ trên phố, họ chẳng ngại mắng chửi, dùng khí thế trấn áp đối phương, thậm chí dày mặt thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để giành phần thắng.
Giao thông ở Việt Nam hỗn loạn và đáng sợ một phần do hạ tầng và cách điều tiết, phần quan trọng khác nằm ở văn hóa giao thông - thể hiện cả khi đang chạy xe và lúc có va chạm. Phản ứng đổ lỗi cho người khác cùng sự thiếu kiềm chế khiến nhiều người mất kiểm soát cảm xúc và hành vi, dẫn đến kiểu hành xử manh động, côn đồ, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác.
Đành rằng đường hẹp, người đông thì ai cũng dễ căng thẳng; sự và cáu giận dễ tăng vọt khi có va quệt khiến người ngã, xe xước. Nhưng nếu người trong cuộc không biết kiềm chế tính hơn thua của mình, để thói “yêng hùng” dẫn dắt thì lúc “tỉnh” ra sẽ muộn, hậu quả cho cả đôi bên đều không thể cứu vãn.