Va chạm với chim trời, máy bay sẽ nguy hiểm thế nào?

Một trong những tình huống nguy hiểm nhất của hàng không là khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh thì 1 đàn chim bay ngang qua và bị hút vào động cơ. Tùy vào kích cỡ của loài chim và đàn mà hậu quả gây ra nặng nhẹ khác nhau.

Những tai nạn máy bay liên quan đến chim trời

Khoảng 9h sáng 29/12 (giờ địa phương), chuyến bay 7C 2216 của Hãng Jeju Air của Hàn Quốc chở 181 người đã hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Muan, sau đó đâm vào các công trình ở cuối đường băng rồi phát nổ. Vụ việc khiến 179 người thiệt mạng, chỉ có hai thành viên phi hành đoàn may mắn sống sót.

Trong cuộc họp báo chiều 29/12, một quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết đài kiểm soát không lưu đã cảnh báo phi công về nguy cơ tông phải chim ngay trước khi tai nạn xảy ra, theo tờ The Korea Times. Thời gian chính xác sẽ được làm rõ khi thu hồi dữ liệu từ hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay.

Tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc xảy ra hôm 29/12.

Tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc xảy ra hôm 29/12.

Theo đó, máy bay khi đó sắp hạ cánh xuống đường băng số 1 thì đài kiểm soát không lưu cảnh báo tông phải chim. Cảm nhận được nguy hiểm, phi công thực hiện cuộc gọi cấp cứu ngay sau đó 1 phút. Đài kiểm soát hướng dẫn máy bay hạ cánh xuống đường băng 19 ở phía đối diện.

Tuy nhiên, 2 phút sau cuộc gọi, phi công hạ cánh khẩn cấp bằng bụng máy bay và tông vào tường rào. Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đăng tải đoạn tin nhắn của một hành khách trên máy bay nhắn cho người thân, nói rằng có một con chim kẹt trong cánh máy bay nên máy bay không thể hạ cánh. Các nhân chứng dưới đất kể đã thấy tia lửa bên cánh phải của máy bay trước tai nạn.

Từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều vụ chim trời va vào động cơ, thân vỏ máy bay ở nước ta. Hiện tượng này đặc biệt gây nguy hiểm trong quá trình vận hành và gây thiệt hại tài chính tới các hãng bay khi phải sửa chữa tàu bay.

Vào năm 2019, chuyến bay VJ320 của Vietjet Air di chuyển từ TPHCM đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong quá trình hạ cánh đã va phải chim trời. Khi máy bay hạ cánh an toàn và đi vào sân đỗ, thợ kỹ thuật phát hiện chim trời trong động cơ và phải mất nhiều giờ mới có thể khắc phục xong hư hỏng.

Tháng 10/2020, thợ máy kiểm tra kỹ thuật nhận thấy động cơ của máy bay VN-A581 đã bị móp sau khi thực hiện chuyến bay từ Hải Phòng tới Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài - Thừa Thiên Huế khi nhân viên kỹ thuật tàu bay phát hiện có lông chim trong động cơ của máy bay VN-A652 mang số hiệu VJ310.

Tháng 3/2021, tổ kỹ thuật hàng không phát hiện máy bay của Vietnam Airlines hỏng vỏ bọc động cơ sau chuyến bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội, nguyên nhân là do bị chim trời va đập.

Trong năm 2022, tình trạng chim trời lao vào máy bay tiếp tục không có tình trạng thuyên giảm. Hiện tượng này khiến một số máy bay thiệt hại hàng trăm tỷ đồng để bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.

Điển hình là chiếc A321 của Vietnam Airlines số hiệu VN1297 từ Quy Nhơn (Bình Định) về TPHCM được kiểm tra sau chuyến bay, phát hiện vết chim va vào động cơ số 2. Do đó, đội ngũ kỹ sư phải tháo động cơ gửi đi sửa chữa, chờ kết quả đánh giá hỏng hóc của nhà chế tạo, ước tính chi phí hết 30,4 tỷ đồng. Đến tháng 4/2022, liên tiếp các vụ va chạm khiến hãng bay thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.

Công nghệ xua đuổi chim ở các sân bay

GS Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) cho biết, chim trời ảnh hưởng đáng kể đến an toàn bay. Đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng kết quả chưa đáng kể.

Một trong những tình huống nguy hiểm nhất của hàng không là khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh thì 1 đàn chim bay ngang qua và bị hút vào động cơ. Tùy vào kích cỡ của loài chim và đàn, sự cố này có thể gây ra hỏng hóc 1 phần hoặc toàn bộ động cơ. Khi máy bay cất cánh thì sẽ phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp từ đó gây nên những thiệt hại về mặt tài chính. Ngoài ra, đàn chim trời lớn va vào mũi máy bay cũng dễ gây móp méo.

Theo chuyên gia, tùy theo đặc điểm sinh thái và các loài chim, mỗi sân bay áp dụng giải pháp xua đuổi riêng. Phần lớn sử dụng xe cứu hỏa, thiết bị để tạo âm thanh, hiệu ứng. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do địa hình sân bay đa dạng, có nơi giáp núi rừng, nơi giáp biển, ao hồ, ruộng đồng, vườn cây... Đây đều là môi trường thuận lợi cho chim cư trú.

Hồi đầu năm 2024, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM thông báo lựa chọn nhà thầu triển khai dự án "Lắp đặt thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh trong sân bay" với chi phí cho dự án này gần 400 triệu đồng.

Trong nhiều năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất cùng một số sân bay ở nước ta thường xuyên gặp rắc rối do chim trời. Việc gắn thiết bị phát âm thanh đuổi chim được triển khai ở nhiều sân bay khác trên toàn quốc. Đáng chú ý, sân bay Nội Bài (Hà Nội) sử dụng âm thanh của các loài chim săn mồi gắn trên xe bán tải, còn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) dùng xe cứu hỏa để xua đuổi.

Các sân bay cũng tổ chức nạo vét mương trong khu bay nhằm giảm thiểu nguồn thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, để chim không dừng chân trong quá trình di cư. Cỏ cũng được cắt thường xuyên, tránh thu hút chim đến tìm kiếm thức ăn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh do các tỉnh phía Nam khi có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay.

Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng hàng không, sự cố va chạm giữa chim và tàu bay có xu hướng tăng trong các tháng gần đây. Dù nhà chức trách hàng không sử dụng rất nhiều biện pháp để ngăn chặn sự xâm phạm của chim trời vào khu vực sân bay nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300 - 500m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/va-cham-voi-chim-troi-may-bay-se-nguy-hiem-the-nao-169241230102957871.htm