Vá lành trái tim 'tổn thương' cho thiếu nữ nghèo dân tộc Mông

Người mẹ nói tiếng Kinh chưa sõi tìm đến Bệnh viện E nhờ giúp đỡ con gái. Ca phẫu thuật 'vá lại' trái tim cho thiếu nữ 16 tuổi đã thành công tốt đẹp...

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là một thiếu nữ dân tộc Mông, ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh cách đây nhiều năm nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên chưa có cơ hội đi khám và điều trị.

Hơn nữa cách đây 5 năm, thiếu nữ này đã mổ u não khiến sức khỏe suy kiệt. Thời gian gần đây, em thường xuyên xuất hiện các cơn động kinh cục bộ, hay co giật, khó kiềm chế cảm xúc, mệt mỏi, khó thở. Em được người nhà đưa đến Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E. Tại đây, các bác sĩ xác định em bị thông liên thất nặng.

Chia sẻ về hành trình cứu sống người bệnh mắc tim bẩm sinh từng mổ u não, ThS.BS Đàm Hải Sơn - khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cho biết: "Đây là ca bệnh nặng với lỗ thông có kích thước lớn cần được xử lý tránh các biến chứng nặng cho tim, phổi; ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống, tuổi thọ người bệnh. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm toàn bộ chức năng cả tim lẫn phổi. Khi đó giải pháp cuối cùng chỉ là ghép tim phổi hết sức rủi ro, nặng nề và nhiều trường hợp là bất khả thi".

Ngay sau đó, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn và nhận định lỗ thông lớn, giải phẫu không phù hợp cho can thiệp nội mạch máu bịt lỗ thông bằng dụng cụ. Phương pháp được đặt ra là phẫu thuật mở quả tim ra vá lỗ thông, lựa chọn phương pháp mổ nội soi toàn bộ.

Theo bác sĩ Đàm Hải Sơn, người bệnh có tiền sử tim bẩm sinh nhưng không được theo dõi và điều trị nên dẫn đến tình trạng bị suy tim. Thông qua kết quả siêu âm tim, các bác sĩ phát hiện các buồng tim giãn nhiều, chức năng tim suy giảm. Tình trạng quá tải lượng máu lên phổi kéo dài gây tổn thương mạch máu phổi, từ đó gây tăng áp lực trong động mạch phổi nhiều...

Một vấn đề khá phức tạp đặt ra: người bệnh đã có tiền sử bị u não với các di chứng như động kinh, co giật… Do đó, trong quá trình điều trị, đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc điều trị và các loại thuốc cũng như liều lượng thuốc trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh phải tính toán cẩn thận...

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 10/7 và đã thành công tốt đẹp. Mẹ của bệnh nhân, dù không thạo tiếng Kinh, vẫn cố gắng bày tỏ trong xúc động: "Nếu không có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các bác sĩ, gia đình tôi không biết đến bao giờ mới có thể đưa con đi phẫu thuật".

Thông tin thêm về phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân trên, TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E chia sẻ: Để điều trị vá lỗ thông liên thất kinh điển như trước đây, người bệnh sẽ phải cưa mở toàn bộ xương ức với đường mổ dài ở giữa ngực, từ hõm ức tới mũi ức khoảng 15 - 20cm với người lớn, 8 - 10cm với trẻ nhỏ… Còn phương pháp phẫu thuật nội soi toàn bộ vá thông liên thất là phương pháp ít xâm lấn, chỉ qua các lỗ nhỏ thành ngực dưới 1,5cm đặt các dụng cụ mổ chuyên dụng, các thao tác mổ được thực hiện dưới màn hình nội soi 3D. Đây là phương pháp hạn chế sang chấn, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng, loại trừ biến chứng viêm xương, đỡ đau và có tính thẩm mỹ cao so với mổ mở truyền thống.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/va-lanh-trai-tim-ton-thuong-cho-thieu-nu-ngheo-dan-toc-mong-post520796.html