Và như thế... Tổ quốc chưa bao giờ xa

Trên mảnh đất châu Phi xa xôi, nơi ánh nắng vàng trải dài theo nhịp sóng Đại Tây Dương vẫn có những trái tim Việt Nam đập nhịp yêu thương, khắc khoải hướng về quê hương. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Senegal và Vương quốc Morocco trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai quốc gia này là cuộc hội ngộ đặc biệt ấm áp, chân tình.

Chiều muộn ở thủ đô Dakar, trong hội trường nhỏ của cộng đồng người Việt tại Senegal, bầu không khí rất rộn ràng. Cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và cộng đồng người Việt Nam nơi đây kéo dài hơn dự kiến, bởi dòng cảm xúc chân thành không dễ ngắt quãng. Từng ánh mắt, từng lời chia sẻ như muốn níu thời gian lại, để được gần hơn một chút với Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội không phát biểu dài, nhưng mỗi lời nói đều gần gũi, thân tình, mang theo tình cảm từ quê hương Việt Nam và sự sẻ chia với những khó khăn, nỗ lực, nỗi nhớ của bà con xa xứ. Lời chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội trong suốt quá trình trò chuyện liên tục ngắt quãng bởi những tràng pháo tay hưởng ứng của bà con nơi đây. Thực sự không có khoảng cách nào giữa lãnh đạo cấp cao với những người con xa xứ. Hơi ấm của quê hương lan tỏa, nhắc nhớ rằng họ là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam và Tổ quốc luôn yêu thương, chở che cho họ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng cộng đồng người Việt Nam tại Senegal.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng cộng đồng người Việt Nam tại Senegal.

Trong ánh mắt rưng rưng, bà Sophie Kamara, 91 tuổi, tóc bạc trắng, chậm rãi chia sẻ câu chuyện đời mình bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Rời Quảng Ninh (Việt Nam) từ khi còn rất nhỏ, nhưng trong trái tim bà, nỗi nhớ quê hương chưa từng vơi đi một ngày. Bà nhớ Việt Nam qua từng món ăn. Những món như nem, bánh cuốn, nước mắm... không chỉ là hương vị quê hương mà là cầu nối vô hình giúp bà giữ gìn cội rễ dân tộc và lan tỏa tình yêu, nỗi nhớ Việt Nam đến bạn bè Senegal. Những món ăn này đều trở nên quen thuộc và được nhiều người dân Senegal yêu thích. Bà đặc biệt xúc động khi Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal gắn kết chặt chẽ với các đơn vị trong nước, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu tổ chức các hoạt động dạy chữ viết, ngôn ngữ tiếng Việt cho người Việt ở Senegal; sâu sát hơn nữa, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý, điều kiện sinh hoạt, học tập của cộng đồng người Việt ở Senegal...

Tại Senegal hiện có khoảng 3.000 người Việt Nam đang sinh sống, phần lớn là con cháu của những người Việt từng sang châu Phi lao động, học tập hay lập gia đình từ nhiều thập kỷ trước. Còn cộng đồng người Việt Nam tại Morocco có khoảng 400 người, chủ yếu là gia đình của các cựu binh Morocco đã tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam trước năm 1954, cùng với đó là một số người lao động, sinh viên du học... Ở nơi xa xôi này, tiếng Việt vẫn được gìn giữ, món ăn truyền thống vẫn thơm nồng trong từng mái bếp và đặc biệt, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc vẫn vẹn nguyên.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng các đại biểu chụp ảnh cùng cộng đồng người Việt Nam tại Morocco.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng các đại biểu chụp ảnh cùng cộng đồng người Việt Nam tại Morocco.

Trong cuộc gặp gỡ tại Morocco, chúng tôi được gặp các cụ ông, cụ bà đã hơn 80 tuổi và các bạn thiếu nhi, sinh viên tràn đầy sức trẻ. Các thế hệ hôm nay nói tiếng Arab, tiếng Pháp nhưng gặp tôi, họ vẫn nói được chút ít tiếng Việt. Trong không khí đầm ấm, chân tình, bà con chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam những câu chuyện đầy xúc động về cuộc sống, về nỗi nhớ quê hương da diết, cùng những nỗ lực không ngừng để gìn giữ tiếng mẹ đẻ, duy trì các phong tục, tập quán truyền thống như tổ chức Tết Nguyên đán, gói bánh chưng, thờ cúng tổ tiên và truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại Morocco.

Bà Trần Hồng Mây, năm nay 81 tuổi, hồ hởi kể về cơ duyên với Làng Việt Nam (thành phố Kenitra)-một biểu tượng sinh động của tình hữu nghị Việt Nam-Morocco. Bà bộc bạch: “Tôi muốn con cháu tôi, bạn bè tôi ở Morocco cũng hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam như tôi đã yêu suốt đời. Chúng tôi dạy con cháu không quên cội nguồn, không quên dòng máu Việt. Tết đến, làng chúng tôi cùng gói bánh chưng, thổi xôi, luộc gà cúng ông bà tổ tiên; trong vườn nhà cũng có đầy đủ những loại cây ăn trái từ Việt Nam như chuối, chanh, xoài...”. Tại nơi bà sinh sống còn có một cổng làng đậm nét văn hóa Việt. Cùng với Cổng Morocco tại Ba Vì (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1963, công trình Cổng Việt Nam xây dựng ở đây vào năm 2022 không chỉ là dấu ấn của tình hữu nghị mà là mạch nguồn để các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn Việt Nam, trân quý ký ức chung của hai dân tộc và cùng đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Lắng nghe từng chia sẻ của bà con, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cộng đồng vì đã luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, không ngừng nỗ lực trong hành trình hội nhập, vươn lên làm ăn mà vẫn giữ trọn nghĩa tình với quê hương. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn trân trọng, biết ơn, hết sức quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Senegal và Morocco là sự nhắc nhở rằng dù xa cách nhau về địa lý, dù cuộc sống có nhiều nỗi lo toan thì tình yêu quê hương-như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bao thế hệ-vẫn gắn kết những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, trái tim người Việt vẫn cùng chung nhịp đập. Và như thế, Tổ quốc chưa bao giờ xa...

VŨ DUNG (từ Rabat, Morocco)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/va-nhu-the-to-quoc-chua-bao-gio-xa-838814