'Vắc xin + 5K' - giải pháp tối ưu phòng, chống dịch
Ngày 10-7, Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Chiến dịch dự kiến kéo dài đến hết tháng 4-2022 với mục tiêu có trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Với quyết tâm trở thành 'vùng xanh' ở khu vực phía Nam, Bình Phước đã thành lập Văn phòng chiến dịch tiêm chủng Covid-19 đặt tại Bộ CHQS tỉnh và triển khai tiêm ngay cho các đối tượng theo quy định. Tùy từng đợt phân bổ, các loại vắc xin đang được tiêm tại tỉnh hiện nay gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna…
Bình Phước cần tiêm cho khoảng 700 ngàn người để hướng đến miễn dịch cộng đồng. Đến nay, đã có gần 100 ngàn người được tiêm mũi 1, gần 20 ngàn người hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Kết quả từ các nước châu Âu, châu Mỹ cho thấy, vắc xin tuy chưa đạt hiệu quả 100% nhưng khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì giải pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất chính là “5K + vắc xin”.
“Bảo vệ 1, lợi ích 10”
Bước sang năm thứ 2 chung sống với đại dịch Covid-19, mỗi người dân đã khá quen với công thức “5K” của Bộ Y tế để phòng, chống dịch. Và sự ra đời của các loại vắc xin đã mang lại hy vọng mạnh mẽ hơn trong việc đẩy lùi covid. Hiện có 6 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna và Janssen.
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, Bình Phước bắt đầu tiêm theo thứ tự ưu tiên, nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền, tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, những người có nguy cơ cao… Dù được tiêm mũi đầu hay đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2, người được tiêm đều cảm thấy an tâm hơn trước đại dịch.
Bà Lê Thị Thúy Vân, tiểu thương chợ Đồng Xoài phấn khởi: “Dịch bệnh đang căng thẳng mà được Ban quản lý chợ thông báo đi tiêm vắc xin ngừa Covid -19 tôi vui lắm. Sau này quay về chợ buôn bán cũng đỡ lo”. Cũng tâm trạng như trên, ông Nguyễn Xuân Hoạch ở phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) bày tỏ: “Tôi năm nay gần 80 tuổi, sức đề kháng kém, nhiều bệnh nền, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, được tiêm mũi vắc xin này cảm thấy rất phấn khởi và yên tâm”. Đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin, chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên Bệnh viện đa khoa tỉnh hy vọng: “Ở thời điểm này, ngoài thực hiện quy định 5K thì tiêm vắc xin vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để chống lại dịch Covid-19. Khi số lượng người dân được tiêm nhiều thì chúng ta sẽ có miễn dịch trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh”.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bản chất của tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất nhằm làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra.
Giảm áp lực cho ngành y tế
Trước nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc tiêm vắc xin không thể bảo vệ người dân khỏi vi rút SARS-CoV-2, các chuyên gia y tế không phủ nhận điều này nhưng khẳng định, việc tiêm vắc xin sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ở Mỹ và một số nước châu Âu đã ghi nhận nhiều trường hợp tiêm 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm Covid-19. Có 2 lý do dẫn đến việc này: Do ảnh hưởng của biến thể Delta và do người đã tiêm không tuân thủ nghiêm quy định 5K. Tuy nhiên những trường hợp này mắc Covid-19 với mức độ nhẹ, ít triệu chứng, không cần điều trị chuyên sâu, máy thở… không gây gánh nặng cho ngành y tế. Vì vậy, ở thời điểm này, có thể thấy “vắc xin + 5K” vẫn là phương pháp phòng dịch hiệu quả nhất”.
Tùy mỗi loại vắc xin mà độ kháng thể có thể cao hay thấp, tuy nhiên trong điều kiện nguồn cung chưa dồi dào, có loại vắc xin nào chúng ta nên tiêm loại đó, trước hết để giảm nguy cơ mắc bệnh. Có thể mũi 1 tiêm vắc xin AstraZeneca, mũi 2 tiêm vắc xin Pfizer hay vắc xin Modera... hoặc ngược lại đều không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc sinh ra các kháng thể trong cơ thể”.
Thạc sĩ, bác sĩ LÊ ANH TUẤN, Phó giám đốc Sở Y tế
Các chuyên gia y tế lưu ý, với biến thể của vi rút SARS-COV-2, người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn không nên chủ quan. Bởi dù đã tiêm 2 mũi, bản thân người tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng ở mức độ nhẹ, khả năng chữa lành nhanh hơn người chưa tiêm. “Cứ mỗi người được tiêm vắc xin là cộng đồng khỏe lên một chút, sức đề kháng của cộng đồng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%, tức là dù đã tiêm đủ 2 mũi, nguy cơ mắc bệnh vẫn có thể” - bác sĩ chuyên khoa II Vũ Xuân Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh lưu ý.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, cả nước hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Trong quá trình tiêm chủng, việc khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe luôn được các y, bác sĩ chú trọng, thực hiện kỹ. Có một số phản ứng phụ sau tiêm là hoàn toàn bình thường, bởi đó là do cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng chống dịch bệnh. Người dân không nên tiếp nhận những thông tin không chính xác, tự bỏ lỡ cơ hội và quyền lợi của mình trước việc tiêm vắc xin, bởi đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành y tế đã và đang không ngừng nỗ lực cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng và toàn dân quyết tâm đẩy lùi đại dịch. Bộ Y tế kêu gọi toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống dịch, trong đó “vắc xin + 5K” vẫn là giải pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe và hướng đến miễn dịch trong cộng đồng.